Non nước Việt Nam

Gốm men nâu – dòng gốm truyền thống riêng biệt của gốm cổ Việt Nam

Cập nhật: 22/09/2015 10:57:46
Số lần đọc: 2198
Gốm Việt Nam có lịch sử lâu đời trên dưới vạn năm với nhiều dòng gốm vô cùng đa dạng trong số đó có những dòng gốm được đánh giá cao về mặt mỹ thuật cũng như khả năng ứng dụng, tiêu biểu phải nhắc đến đầu tiên là Gốm men nâu.


Hũ men nâu thời Lý- Trần thế kỷ 11-14 ( đồ dùng sinh hoạt)
Ảnh: Hương Cinet

Gốm men nâu là loại đồ gốm được chế tạo công phu, cốt gốm dày dặn, dùng men nâu làm trang trí trên nền men ngà hoặc phủ toàn bộ men nâu.

Các chuyên gia gốm sứ thống nhất thuật ngữ “Gốm hoa nâu” hay “Gốm men nâu” để mô tả một loại gốm có trang trí hoa văn bằng men nâu hoặc phủ men nâu. Gốm men nâu thuộc loại sành xốp dày, xương gốm thô và nặng được nung trong nhiệt độ từ 1000 đến 1300 độ C. Mầu nâu được tạo ra bởi những nguyên liệu khai thác tại chỗ đó là những quặng đá sau đó nghiền thành bột men nâu. Loại men này pha lẫn một vài phụ gia khác với nhiều thành phần chủ yếu là đá son, oxit sắt. Sau khi nung qua lò ở nhiệt độ trên dưới 1300 độ C đã tạo nên nhiều cấp độ của màu nâu như: nâu cà phê, nâu hạt dẻ, nâu da lươn….

Theo tài liệu lịch sử được ghi lại tại Bảo tàng Lich sử Quốc gia thì: Sau khi đánh tan giặc Tống, trong một thời gian dài triều Lý tiếp tục giữ vai trò tích cực trong công cuộc xây dựng quốc gia phong kiến độc lập. Cuối thế kỷ thứ 11 đầu thế kỷ thứ 12, nước Đại Việt đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, công nông thương nghiệp; trong đó phải kể đến ngành nghề thủ công truyền thống đó là gốm sứ. Từ đây nghề làm gốm nước ta phát triển nhanh, mau chóng định hình và mang những bản sắc dân tộc rõ nét. Giai đoạn triều Lý, phổ biến và tiêu biểu nhất đồng thời cũng là đặc điểm mang tính thời đại của dòng gốm men ngọc. Tiếp đến gốm men nâu cũng bắt đầu xuất hiện từ đây nhưng phát triển và đặc trưng nhất phải từ thế kỷ 13 – 14, chính vì thế gốm men nâu còn được gọi bằng cái tên “gốm thời Trần”, giống như tên gọi của gốm men ngọc thời Lý.

Về phần trang trí trên gốm men nâu, dòng gốm được sử dụng các thủ pháp tạo hoa văn khác nhau thông qua men màu nâu kết hợp với men trắng. Có một số sản phẩm kết hợp đắp nổi, tạo điểm xuyết trên thân, vai hay nắp hoặc xung quanh. Đa số gốm men nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền để tạo hình trang trí. Sau đó người thợ thủ công sẽ dùng bút lông vẽ hoa văn màu nâu lên phần đã được cạo. Cũng có thể vạch vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men nền. Men phủ trên nền gốm màu trắng ngà, hầu hết đều rạn hoặc nứt tạo thành những mảng vân rạn tự nhiên khiến cho sản phẩm càng trở nên độc đáo. Vào cuối giai đoạn nhà Trần sang thời Lê sơ bắt đầu xuất hiện gốm vẽ màu nâu sau đó mới phủ men lên trên. Hoa văn trang trí cũng đa dạng từ chủ đề Phật giáo cho đến hình ảnh đời sống và thiên nhiên, cây cỏ….

Kể từ khi được sáng tạo nên và trong suốt quá trình phát triển, các sản phẩm của dòng gốm men nâu vô cùng đa dạng. Từ đồ trang trí, sản phẩm phục vụ tôn giáo cho đến đồ gia dụng. Các sản phẩm gốm men nâu còn lưu giữ lại được đến ngày nay cũng phần nào cho thấy thực tế đó, từ các loại ấm, âu, ang, bát, bình, chân đèn, chân đế, chậu, chén, chum, đài, đĩa, hộp, liễn, lọ, loa, mô hình tháp, thạp, ngói, thống, tước, tượng mèo, tượng sư tử... không có sản phẩm nào không có sự xuất hiện của gốm men nâu. Thậm chí cả những sản phẩm kích thước lớn như: thạp, chum, thống cũng có sản phẩm của gốm men nâu.

Gốm hoa nâu phát triển trong thời gian khoảng hơn 200 năm, tuy không phải là một thời gian dài so với lịch sử gốm Việt Nam nhưng lại đóng góp giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật lớn lao. Bởi đây là một dòng gốm truyền thống riêng biệt của gốm cổ Việt Nam, không thể nhầm lẫn hay lẫn lộn với bát kỳ dòng gốm cổ nào khác trên thế giới./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT