Thăm vùng “Núi Tổ” nước Nam Ba Vì (Hà Nội)
Truyền thuyết kể rằng núi Ba Vì do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, ngăn nước lũ chiến thắng Thủy Tinh. Vùng núi Ba Vì với nhiều tên đất tên làng, những vạt đồi, khe suối, đồng nội, đầm hồ, bờ bãi, đình đền, miếu mạo… còn in đậm trong sự tích và chuyện kể dân gian của xứ Đoài gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh.
Những giai thoại dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.
Vùng núi tâm linh của người Việt
Núi Ba Vì là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam cùng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh.
Người xưa có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, còn núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng có lẽ Ba Vì là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn). Trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng có viết: “… Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
Ba Vì sở hữu rất nhiều di tích nổi tiếng, trong đó có khoảng 100 di tích thờ Tam Vị Đức Thánh Tản Viên Sơn (gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Cao Sơn, Quý Minh) mang nhiều giá trị tiêu biểu về không gian, kiến trúc nghệ thuật. Về với miền du lịch tâm linh thờ Đức Thánh Tản, du khách sẽ được viếng thăm đình Tây Đằng, đình Quang Húc, đình Đông Viên, đình Thanh Lũng, đền Trung Cung, rồi tiếp bước đến cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên đỉnh núi Ba Vì.
Từ chân núi vượt qua hơn 10km đường rừng, rồi trăm bậc thang đá để đến với cổng Đền Thượng - Chính cung thần điện, là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên. Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng đền Thượng được xây dựng từ thời An Dương Vương, đến thời Vua Lý Nhân Tông đền được xây cất với quy mô lớn và tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên lan rộng khắp vùng đồng bằng Bắc bộ. Năm 1993, ngôi đền được trùng tu lại trên nền di tích cổ xưa nằm dựa vào vách núi đá của đỉnh Tản Viên. Chính giữa ngôi Tam Bảo là tượng Đức Thánh Tản ngự trong long ngai sơn son thiếp vàng. Bên tả thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương) và bên hữu là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu (bà mẫu Thượng ngàn). Trong đền có hai cột với đôi câu đối mang ý nghĩa: Núi Tản tựa trời cao, Ba Đình lừng danh từ vạn cổ/ Sông Đà trừ thác dữ, một dòng rực sáng đến mai sau.
Từ đền Thượng đi theo một con đường nhỏ, qua hẻm núi, chúng ta lên đỉnh Tản Viên. Ở đây đặt tượng thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, ban Mẫu địa và ban Bát tiên. Trong những ngày quang mây, khi đứng trên đỉnh núi này chúng ta có thể ngắm nhìn một vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc bộ với dòng sông Đà, sông Tích uốn lượn chảy quanh như một bức tranh thủy mặc.
Đối diện với đường lên Đền Thượng là đường lên đỉnh Vua - nơi đặt đền thờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đỉnh Vua cao 1.296m, là đỉnh cao nhất của dãy núi Ba Vì. Để lên tới Đền thờ Bác Hồ, chúng ta phải trải qua hơn 1.300 bậc thang, trong quãng đường đi chúng ta như được lạc vào cõi thiêng, bởi được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng giăng mặc dù vẫn có mặt trời.
Chuyện kể rằng, sinh thời Bác Hồ muốn tro cốt của mình sau này khi qua đời sẽ được đặt ở ba địa điểm, trong đó có một nơi tại núi Ba Vì. Vì thế, ý tưởng xây một đền thờ Bác ở đây theo di nguyện của Người được nêu ra và ngay lập tức đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Công trình tưởng niệm Bác được khởi công đầu tháng 3/1999 và hoàn thành cuối tháng 8/1999.
Ngôi đền mang phong cách cổ, nhìn về hướng nam chếch đông, có mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng... Chính điện là một không gian mở, không có cửa. Trên bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bệ thờ là chuông đồng và khánh đồng. Ngoài ra còn nhiều hạng mục công trình khác tạo nên một không gian hài hòa, tinh tế nhưng vẫn hết sức giản dị.
Trước Đền, một tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ tang của Người năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Mặt kia khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1999 đến nay, Vườn quốc gia Ba Vì đã đón rất nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến dâng hương viếng Bác.
Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Với vẻ đẹp xanh ngát, hoang sơ, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và khí hậu trong lành mát mẻ, Ba Vì là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua cho những người có thú vui điền dã. Chỉ trong đoạn đường từ chân núi cho đến cốt 800, chúng ta có thể cảm nhận sự thay đổi khí hậu theo từng độ cao. Đang đi trong sương mù thì những vạt ánh nắng nhảy ra như cô bé tinh nghịch, trời đang nóng lại trở nên mát lạnh và tuyệt vời hơn khi bạn có thể cảm nhận 4 mùa trong một ngày.
Từ năm 1989, rừng cấm quốc gia Ba Vì được thành lập. Năm 1991, rừng được đổi tên thành Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì. Hiện nay, rừng có diện tích hơn 10.000 ha thuộc Hà Nội và Hòa Bình. Với đặc điểm là vùng núi đất thấp, trung bình và đồi trung du tiếp giáp với vùng bán sơn địa nên địa hình được chia cắt bởi những khe và thung lũng tạo nên sự đa dạng về khí hậu, từ đó có hệ động thực vật phong phú. Cho tới nay VQG Ba Vì có khoảng 1201 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 649 chi và 160 họ. Khu hệ động vật có xương sống ở VQG Ba Vì thống kê được 342 loài.
Từ năm 1932, thực dân Pháp đã khảo sát và chọn núi Ba Vì là nơi nghỉ mát của đồng bằng Bắc Bộ rất thuận tiện về mặt giao thông. Nơi đây đã từng là một thị trấn nghỉ mát, khu nghỉ dưỡng lý tưởng không thua kém Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt hay Bà Nà.
Hiện tại, vùng núi Ba Vì đã phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của Hà Nội, với khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thác Mơ, Thác Đa, Thác Ngà, Thác Hương, núi Đá Chẹ, rừng thông Đá Chông, hồ Xuân Khanh, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Tiên Sa, hồ Suối Cả, hồ Suối Bóp, hồ Suối Mít, đồi cò Ngọc Nhị, khu du lịch Đầm Long, Thiên Sơn suối Ngà…
Vào những ngày Hè thời tiết nóng bức, Ba Vì thực sự là nơi tránh nắng lý tưởng cho du khách. Đến với Ba Vì, du khách được tận hưởng không khí trong xanh mát lành, thả hồn để ngắm mây trời, núi rừng, thung lũng, sông, suối… và hòa mình vào không gian thiên nhiên bao la./.