Tổng cục Du lịch làm việc với huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)
Buổi làm việc nhằm mục đích xác định những tài nguyên đặc trưng, nổi bật, khác biệt để định hướng xây dựng sản phẩm du lịch và tìm giải pháp phát triển du lịch địa phương, qua đó thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Thuận Thành, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, phát triển kinh tế, xã hội.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thuận Thành nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, ở phía nam tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km về phía đông. Huyện có bề dầy truyền thống lịch sử - văn hóa với tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Toàn huyện có khoảng 126 điểm di tích, tiêu biểu như Thành cổ Luy Lâu; Chùa Dâu – Tổ đình của Phật giáo Việt Nam (thế kỷ II – sau Công nguyên); Chùa Tổ - thờ Phật và Tổ Mẫu Man Nương sinh ra Tứ Pháp; Chùa Bút Tháp; Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Kinh Dương Vương… cùng nhiều lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và tín ngưỡng. Bên cạnh đó, huyện Thuận Thành còn có một số làng nghề truyền thống lâu đời như gốm Luy Lâu, tranh dân gian Đông Hồ… Những điều kiện này phù hợp để huyện phát triển sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh.
Tuy huyện Thuận Thành có nhiều tiềm năng nhưng thực tế vẫn chưa được khai thác hiệu quả, lượng khách du lịch biết đến và tham quan các điểm du lịch của Thuận Thành còn hạn chế, mức độ đóng góp của du lịch cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa nhiều. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để biến những tiềm năng, lợi thế đó thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút được khách tham quan và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đồng tình với đánh giá cho rằng Thuận Thành có lợi thế về tài nguyên du lịch nhân văn, vị trí địa lý, cở sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch… Tổng cục trưởng nhấn mạnh, để phát triển du lịch Thuận Thành hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thêm thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội thì huyện cần quan tâm, khai thác du lịch tại các điểm tham quan chính như Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu, Tranh Đông Hồ, gốm Luy Lâu…; Kết nối với các điểm tham quan của Thuận Thành với các điểm du lịch khác ở trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Hà Nội; Chú trọng triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến thông qua việc tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành, phóng viên báo chí, đồng thời Thuận Thành cũng cần xây dựng website quảng bá các điểm du lịch nổi bật, quan tâm cung cấp thông tin quảng bá trên các phương tiện truyền thông khác như website của Tổng cục Du lịch, mạng xã hội…; Huyện cần chú ý phát triển các cơ sở ăn uống đảm bảo tiêu chuẩn, tổ chức bán hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương, có định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó, Thuận Thành cần tuyên truyền, vận động cộng đồng địa phương tạo môi trường văn minh, an toàn thân thiện đối với khách du lịch; Nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại điểm đến, đội ngũ quản lý…
Bí thư Huyện ủy Thuận Thành Ngô Tân Phượng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Tổng cục Du lịch trong định hướng phát triển du lịch ở Thuận Thành. Ông mong muốn, trong thời gian tới Tổng cục Du lịch có sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ nhiều hơn nữa để du lịch Thuận Thành phát triển.
Tin, ảnh: Hương Lê