Non nước Việt Nam

Xôi ngũ sắc – món ăn đậm nét văn hóa của dân tộc Tày

Cập nhật: 03/02/2016 15:53:00
Số lần đọc: 3508
Cứ mỗi độ xuân về, ngoài những lễ hội văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Tày vùng cao Hà Giang lại làm món xôi ngũ sắc để đón chào một năm mới. Người Tày quan niệm xôi ngũ sắc gồm các màu đỏ tươi, đỏ thẫm, vàng, nâu và tím tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu xôi khi làm xong càng đẹp thì năm ấy gia đình càng làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong các dịp lễ tết, hội hè… Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo, với 5 loại xôi mang 5 màu sắc khác nhau: đỏ, vàng, xanh, tím và trắng đúng với tên gọi “xôi ngũ sắc”.

Khẩu cắm lanh là xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm hương là xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu cắm lăm là xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu khiêu là xôi màu xanh tương trưng cho màu xanh của rừng núi. Khẩu nón là xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung.

 

Xôi ngũ sắc được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng lúc chín dậy mùi thơm dịu, hạt xôi mềm dẻo, bắt mắt với năm màu sặc sỡ. Màu trắng là màu nguyên thủy của nếp, những màu khác được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng lấy từ củ nghệ giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen hoặc lá cây sau.

 

Gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước sạch từ 6-8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa đủ rồi mới đem đi nhuộm màu xôi. Gạo được chia làm 5 phần bằng nhau, mỗi phần ứng với một màu. Sau khi nhuộm màu, đồ xôi mới là khâu quan trong nhất, khâu này phải thật khéo mới có món xôi như mong đợi. Mỗi màu đồ một chõ riêng, gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được đưa vào chõ trước tiên, tiếp theo là những màu còn lại và đặt màu trắng trên cùng.

trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính, được trình bày đẹp mắt. Có nơi trang trí thành hình bông hoa năm cánh, mỗi cánh một màu nhưng có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, có nơi đóng thành hình tháp nhiều tầng… Năm màu được ghép trên mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành (trắng – kim, xanh – mộc, tím – thủy, đỏ – hỏa, vàng – thổ), đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình đoàn kết, tình yêu son sắt thủy chung và tấm lòng yêu kính mẹ cha của đồng bào dân tộc.

 

Ngày lễ tết, mâm cỗ của bà con dân tộc Tày không thể thiếu món xôi ngũ sắc mang lại những may mắn tốt lành. Xôi ngũ sắc mang đặc trưng hương vị của cỏ cây, là sản vật hội tụ được những giá trị truyền thống, mang triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thể hiện sự đảm đang khéo léo của phụ nữ dân tộc Tày. Lên Hà Giang ăn xôi ngũ sắc mới thấy được hết nét đẹp trong văn hóa ẩm thực nơi đây./. 

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT