Lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, Thái Bình
Ảnh: Báo Thái Bình
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo theo quy định hiện hành; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn hiện tồn là chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII (1632). Chùa Keo gồm 12 tòa, 102 gian là những công trình kiến trúc chính và 4 tòa, 14 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 tòa, 116 gian.
Bao quanh khu nội tự là 3 hồ nước lớn. Cùng với vườn cây phía trước, tam quan ngoại và khu vườn phía sau là khu tăng xá và nhà Ban quản lý di tích chùa Keo, bãi để xe; cùng đường giao thông nội tự (đường rước kiệu) trên một tổng diện tích 41.561,9 m2 đã tạo nên cảnh quan của một khu di tích kiến trúc cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam.
Chùa Keo là một công trình kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc thời Hậu Lê - một kiến trúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim và có những đặc trưng cơ bản khác với một số công trình kiến trúc chùa chiền khác.
Chùa Keo ngoài việc thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật hậu Thánh). Vị Thánh được thờ ở đây là Dương Không Lộ - một nhà sư thời Lý có trình độ hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông vừa được thờ như một vị tổ sư, vừa như một vị Thành Hoàng làng, nên điều khác biệt trong kiến trúc Chùa Keo là trước tòa Đền Thánh có thêm một tòa Giá Roi. Ngay tên gọi của nó - “Giá Roi” - cũng không thấy trong bất cứ sách Phật hay trong các chùa chiền nào ở Việt Nam. Theo những cụ già ở Chùa Keo cho biết: Giá Roi là căn nhà xưa dùng làm nơi xử kiện, phạt vạ, bổ bán công điền, công thổ của làng Dũng Nhuệ (làng Keo). Với chức năng đó, rõ ràng Chùa Keo là một trung tâm hành chính của thôn xã cổ.
Trong các công trình kiến trúc ở chùa Keo, có một kiến trúc độc đáo là Gác chuông Chùa Keo. Gác chuông được làm theo kiểu chồng diêm cổ các nhưng có 3 tầng 12 mái và là một công trình kiến trúc được làm hoàn toàn bằng gỗ (một số gác chuông của các chùa cổ khác ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chỉ làm 2 tầng 8 mái).
Ngày 28/4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Đến tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt.