Tái hiện nét đẹp văn hóa ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer tại Hà Nội
Với sự tham dự của đông đảo du khách, không khí Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer được tái hiện khá nguyên bản. Khi thực hiện lễ rước đại lịch, Môha Sang-Kran đặt trong khay sơn son thiếp vàng trang trọng rước đi vòng quanh chánh điện...
Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới của dân tộc Khmer Việt Nam và cũng là ngày Tết của nhân dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka. Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”, là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer được diễn ra vào giữa tháng Tư dương lịch, lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới.
Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvađa) xuống hạ giới để chăm lo cuộc sống, con người trong năm đó, hết năm vị thần đó về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Những ngày này trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng, người Khmer tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa; các cụ già kể truyện cổ tích, thần thoại cho con cháu nghe, hỏi thăm nhau, chúc nhau nhiều tài lộc, sức khỏe, phát đạt.
Việc tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây cũng như giới thiệu nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tại Hà Nội là một trong các hoạt động cốt lõi của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm đưa đồng bào dân tộc về hoạt động thường xuyên tại đây. Đồng bào sinh hoạt tại đây sẽ góp phần “thổi hồn” vào không gian văn hóa của 54 dân tộc.
Các hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, hình ảnh đất nước con người Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế.
Trong các ngày từ 17/4 - 19/4, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục giới thiệu đến du khách cả nước nhiều hoạt động phong phú khác như giới thiệu ẩm thực dân tộc, lễ hội, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, trưng bày và bán các sản vật địa phương đặc sắc của 8 dân tộc đến từ 8 tỉnh trong cả nước là: Dao (Tuyên Quang), Sán Chay (Thái Nguyên), Mường (Hoà Bình), Thái (Nghệ An), Khơ Mú (Điện Biên), Giẻ Triêng (Kon Tum), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng)./.