Đến Châu Phi khám phá vẻ đẹp về trang sức
Nơi phát minh trang sức sớm nhất
Châu Phi là nơi có nhiều tộc người biết đeo trang sức đầu tiên trên thế giới. Như ở Kenya, người ta đã biết đeo vòng cổ từ cách đây hơn 40 nghìn năm. Thậm chí theo một nghiên cứu vào năm 2004, thì người Nam Phi đã đeo vòng cổ từ 75.500 năm trước, dựa theo một chiếc vòng cổ bằng vỏ ốc được tìm thấy trong một động đá ở nước này và là trang sức xa xưa nhất hiện nay.
Trong tiến trình phát triển, ở châu Phi còn xuất hiện nhiều loại vòng đá và kim loại quý nữa song tựu chung có một vật liệu được ưa chuộng rất lâu, lên tới hàng thế kỷ, đó là các loại ốc tiền màu trắng. Suốt một thời gian dài, khi chưa có tiền xu và tiền giấy, các dân tộc ven biển đã dùng ốc tiền để trao đổi hàng hóa - từ đó sinh ra thuật ngữ hóa tệ. Đi đâu, họ cũng mang theo các vòng vỏ ốc - tiện đó bứt ra giao dịch.
Từ 3.500 năm trước, Ai Cập là quốc gia đầu tiên đã dùng vòng hạt gỗ và sản xuất vòng hạt gỗ đại trà. Đáng ngạc nhiên, đây cũng là một trong các nước tiên phong hiểu biết về các giá trị và sử dụng vàng làm đẹp. Trong khi dân thường đeo gỗ thì vua chúa đeo vàng, coi vàng là biểu tượng của quyền lực,sự giàu có và trí tuệ. Ngoài các vòng, lắc họ còn làm các loại mặt nạ vàng cótác dụng dưỡng ẩm, bảo vệ làn da và thân thể khi sang thế giới bên kia.
Ở Ai Cập vào 2.300 năm trước cũng có vòng thủy tinh. Song, để có sự đa dạng và rực rỡ như ngày nay, thì bắt đầu vào thế kỷ XV, khi người châu Âu mang các loại chai lọ thủy tinh màu mè đến đây trong hành trình khám phá các vùng đất mới, thấy sắc màu của chúng độc đáo, nhiều bộ lạc đã đập các loại chai lọ hoặc nấu lại chúng nhằm tạo ra các vòng cổ lóng lánh. Họ cũng khéo léo xâu các hạt thủy tinh nhiều màu với nhau và các loại hạt cỏ, đất, gỗ tạo nên các tác phẩm kỳ diệu.
Tinh tế trong từng sản phẩm
Một trong các đồ trang sức phổ biến của nam giới châu Phi hôm nay là những chiếc vòng cổ, vòng tay bằng lông voi, hươu cao cổ hoặc lông thú nói chung. Thực tế, người ta đã đeo vòng này từ 1.500 năm trước với niềm tin voi là một sứ giả của trời đất và đeo lông voi sẽ được bảo vệ khỏi mọi bệnh tật.
Các nghệ nhân thường dùng lông voi ở phần tai, mắt, cằm, bụng và đuôi con vật khi chúng tự rụng hoặc cọ vào cành cây (chứ không săn bắn vì luậtcấm săn thú quý) để làm nhiều loại trang sức nam tính. Mỗi sợi lông rất dài, lên tới 50cm và cứng nên họ thường bện chúng thành chùm, xâu thành dây đeo cổ hoặc vòng tay. Mỗi chiếc vòng thường có 2, 4 hoặc 6 nút thắt với các ý nghĩa sâu sắc. Nếu là 2 nút thì nó biểu thị cho đất với sự màu mỡ, tốt tươi, sự gắn kết với tổ tiên và các vị thần nhờ thế người đeo sẽ có cuộc sống thái hòa. Nếu là 4 nút thì tượng trưng cho lửa, nắng, gió và nước nói chung là toàn thể thiên nhiên bốn mùa đem lại cuộc sống no ấm. Nếu là 6 nút thì tuyệt mỹ theo quan niệm dân gian, vừa đem lại sức mạnh, vừa đem lại quyền uy, của cải.
Phụ nữ châu Phi lại có vòng vỏ trứng đà điểu. Sau khi dùng hết lòng đỏ, người ta tỉa cắt vỏ trứng thành các loại vòng. Do trứng có dạng tròn dày, rực rỡ nên chúng được tin là vật lành và riêng với phụ nữ thì tượng trưng cho tuổi thanh xuân, sắc đẹp, sự khỏe mạnh và phì nhiêu của người con gái. Ngoài vòng vỏ trứng, các bà các chị còn đeo khá nhiều trang sức truyền thống bằng hạt được tết bản rộng với nhiều hoa văn sặc sỡ. Nữ giới cũng đeo lông voi song thường xâu thêm các loại hạt cườm, bít vàng hoặc bạc cho thêm đẹp. So với vòng nam, vòng nữ sẽ mỏng mảnh hơn. Cũng tùy dân tộc mà nam nữ có các kiểu vòng khác nhau. Như người Masai, họ rất thích đeo vòng cườm xâu chuỗi nặng trĩu trước cổ(một lúc hàng chục cái vòng). Người Nasimiyu thì có vòng hạt tổng hợp, bó tết tua rua. Người Pokot có đai đeo cổ bằng đa chất liệu. Người Kikuyu có vòng vỏ ốc. Người Ndoroba có vòng tay bạc. Người Fulani có hoa tai vàng…
Về hình dạng của đồ trang sức châu Phi rất phong phú. Khó có thể nói một hình cố định, bởi chúng được xâu tùy ý, có cái hình tròn, có cái hình vuông hoặc tam giác, có cái lưng lửng song cũng có cái thòng từ cổ qua bụng và đeo ở cả trên tóc, mặt, mũi, mắt, miệng, tai, cằm, cẳng tay, cẳng chân… Nói đến trang sức, mọi người thường nghĩ tới một cá thể độc lập song ở đây đa số các vòng sau khi được xâu, hoặc trong quá trình tạo tác thường bện với nhau làm thành các dải băng rộng, đeo như cái yếm, mũ nón và gồm đủ loại chất liệu độc đáo./.