Tham quan ngôi chùa cổ kính Haeinsa ở Hàn Quốc
Chốn linh thiêng…
Chùa Haeinsa còn được gọi là Hải Ân Tự được xây dựng vào năm 802 trên núi Gaya, thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Theo tích xưa, Đức vua Aejang đã ra lệnh xây dựng ngôi chùa để tỏ lòng biết ơn lòng nhân từ của hai nhà sư người Triều Tiên là Suneung và Ijeong trở về từ Trung Hoa, đã trị khỏi bệnh cho vợ của Vua. Haeinsa là một trong ba Tam Bảo tự của bán đảo Triều Tiên đại diện cho “tam bảo Phật giáo” là Phật, Pháp và tăng. Ngôi chùa này đã được phục hồi vào các năm 900, 1488, 1622, và 1644. Vào năm 1817, chùa Haiensa đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn và năm 1818 toà chính đã được xây lại. Đến năm 1964, ngôi chùa được trùng tu lại và mang dáng vẻ hoàn thiện cho đến ngày nay.
Khi nhắc đến chùa Haeinsa, tất cả người dân Hàn Quốc đều liên tưởng tới Tripitaka Koreana, bởi bộ kinh phật khắc gỗ này là bộ sách kinh Phật bằng chữ Hán đầy đủ và cổ kính nhất trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những lý do mà ngôi chùa bé nhỏ lọt thỏm trong thung lũng giữa vùng núi sâu này, vẫn có được tiếng tăm hơn tất cả những ngôi chùa được xây dựng trong những thế kỷ gần đây.
… nơi lưu giữ bộ chạm khắc kinh Phật cổ kính nhất trên thế giới
Bên cạnh nghĩa vụ mang tính giáo quyền thường ngày, ngôi chùa này còn có trách nhiệm bảo vệ “bảo bối” của họ, đó chính là 81.258 bản khắc gỗ dùng để in ấn các bản kinh Phật, đã có mặt tại chùa từ năm 1398. Đây là di sản văn hóa độc nhất giúp chứng minh được quá trình phát triển của các tài sản văn hóa quan trọng, của xã hội, khoa học, nghệ thuật và công nghiệp.
Các khu nhà cất giữ bộ sách kinh Phật gọi là khu Janggyeong Pangeon được xây dựng từ thế kỷ XV theo kiến trúc gỗ truyền thống không những đẹp về kiến trúc mà cách bố trí rất khoa học và luôn được dùng cho một mục đích duy nhất đó là bảo vệ những phiến gỗ. Nó được thiết kế đặc biệt để tạo ra được độ thông gió tự nhiên cũng như điều hòa nhiệt độ và độ ẩm không khí sao cho thích nghi được với điều kiện khí hậu và vì thế, trong hơn 500 năm qua, những phiến gỗ quý giá đó vẫn tồn tại mà không hề bị phá hoại vì mối mọt hay côn trùng. Với tầm quan trọng mang tính chất tôn giáo, bộ kinh Phật Tripitaka Koreana còn là di vật được bảo tồn trong điều kiện hoàn hảo, minh chứng cho những thành tựu vượt bậc của người Triều Tiên cổ đại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực in ấn và xuất bản.
Những phiến gỗ Tripitaka ở Haeinsa được khắc khi Phật tử Hàn Quốc thỉnh cầu những người đứng đầu tổ chức Phật giáo giúp bảo vệ Hàn Quốc chống lại những cuộc xâm lược của Mông Cổ. Những văn bản khắc trên những phiến gỗ này được những học giả Phật giáo trên khắp thế giới công nhận về độ chính xác vượt trội với chất lượng cao. Các nhà học giả Phật giáo Trung Quốc cũng đã sử dụng Tripitaka Koreana để đối chiếu với những bộ sưu tập của họ. Những tấm gỗ khắc ở đây còn mang giá trị to lớn bởi nét khắc tinh tế những ký tự Trung Hoa được thể hiện khá thường xuyên và vì thế có người cho rằng chúng là sản phẩm của một bàn tay duy nhất.
Vì những tấm gỗ Tripitaka ở Haeinsa được xem là phiên bản hoàn thiện và đầy đủ nhất của các bản thánh thư đạo Phật trên toàn thế giới, đây là điểm đến nổi tiếng của những người hành hương, không chỉ là những Phật tử Hàn Quốc mà còn cả những Phật tử và những nhà học giả từ khắp nơi trên toàn thế giới. Hiện tại, ở chùa Haeinsa có khoảng 500 nhà sư sinh sống, họ nghiên cứu những lời răn dạy của Đức Phật và bảo vệ Tripitaka Koreana.
Chùa Haeinsa là một di sản văn hóa vô giá bởi vì ý nghĩa lịch sử to lớn của nó, đồng thời bởi mối liên quan đến tư tưởng, tôn giáo, các sự kiện lịch sử cũng như những trải nghiệm của cá nhân. Chính vì lẽ đó mà đến năm 1995, UNESCO đã đưa bộ sách kinh Phật này vào danh sách di sản thế giới./.