Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống”
Ảnh: K.T
Đến dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao – Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương cùng đại diện lãnh đạo nhiều công ty du lịch, lữ hành Hà Nội.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn về sự cần thiết phải gìn giữ văn hóa Việt và doanh nghiệp cần vào cuộc nhân rộng mô hình này hơn nữa. Qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn có thể tìm kiếm được mô hình văn hoá đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong nhận thức của quốc tế về hình ảnh Việt Nam; đồng thời góp phần giáo dục, xây dựng tinh thần coi trọng và gìn giữ văn hoá truyền thống trong mọi thế hệ người Việt.
Với kết cấu hai phần: Thực trạng việc bảo tồn văn hóa truyền thống, việc cần thiết phải xây dựng sản phẩm văn hóa qua mô hình du lịch và Giải pháp, Kiến nghị nhằm nhân rộng mô hình du lịch kết hợp bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống, buổi Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia và các nhà quản lý về văn hóa.
Bàn về thực trạng việc bảo tồn văn hóa truyền thống, việc cần thiết phải xây dựng sản phẩm văn hóa qua mô hình du lịch và giải pháp thực hiện, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Giá trị văn hóa truyền thống đi theo giá trị lịch sử và biểu hiện trên cả nội dung vật thể và phi vật thể. Hiện chúng ta đã có nhiều văn bản quan trọng như Luật về Di sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… gợi mở việc quản lý phát triển loại hình này. Chúng ta phải tự hào với các sản phẩm truyền thống và đánh giá cao các mô hình làng văn hóa để tạo nên các sản phẩm phong phú.
Ông Nguyễn Phúc Lưu – Phó Giám đốc Văn phòng Trung tâm UNESCO cho biết thêm: Tính đến thời điểm hiện tại, di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận 6 di sản văn hóa vật thể và 9 di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay cũng có hàng ngàn di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp thành phố được công nhận.
Ông Nguyễn Phúc Lưu cũng cho rằng: Hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang thiếu các khu giới thiệu và truyền bá các giá trị di sản văn hóa. Chính vì vậy chúng ta cần phải khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đầu tư vào các không gian truyền bá các giá trị di sản văn hóa để đón tiếp du khách quốc tế nói chung và du khách là các thế hệ con người Việt Nam nói riêng. Ông Nguyễn Phúc Lưu hoan nghênh các mô hình phát triển du lịch văn hóa của các doanh nghiệp như: Khu du lịch Nắng Sông Hồng, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Phúc Lưu – Phó Giám đốc Văn phòng Trung tâm UNESCO, Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao – Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương cho rằng: Về nâng cao và bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là rối nước, Nắng Sông Hồng là cơ sở bảo tồn rối nước một cách nghiêm khắc nhất và rất có ý nghĩa khi nó phục vụ miễn phí cho các em thiếu nhi. Bảo tồn văn hóa không có nghĩa là dập khuôn mà phải có chọn lọc sao cho phù hợp với thời đại.
Bàn về giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Muốn bảo tồn văn hóa truyền thống cần phải có bản lĩnh văn hóa Việt. Bản lĩnh văn hoá Việt gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều đó cho thấy chúng ta cần xây dựng bản lĩnh văn hoá trên cơ sở khơi gợi cho các thế hệ tiếp nối hiểu rõ những giá trị truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc./.