Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016

Cập nhật: 20/07/2016 10:56:38
Số lần đọc: 2197
(TITC) – Ngày 18/7/2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016.


Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 (TITC/Xuân Bách)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương. Bên cạnh đó, một số diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị trong khu vực, một số vụ tai nạn xảy ra đối với khách du lịch, sự cố môi trường biển và hiện tượng thủy hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh khu vực miền Trung, biến đổi khí hậu gây hạn hán tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận, Ninh Thuận cũng tác động bất lợi đến hoạt động của Ngành.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Du lịch đã tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động thực hiện các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành Du lịch đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi); Hoàn thiện, trình Chính phủ các đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 (gồm có: Miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam theo chương trình trọn gói của các công ty lữ hành quốc tế; Gia hạn miễn thị thực một năm cho công dân 05 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch); Xây dựng báo cáo tình hình phát triển du lịch Việt Nam phục vụ Thủ tướng Chính phủ làm việc với ngành Du lịch và đề án “Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ mới” để báo cáo Bộ Chính trị.

Một số chương trình, đề án quan trọng được xây dựng như: Chiến lược phát triển sản phẩm Du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến dịch ứng xử văn minh của du khách Việt và Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; Công bố, hoàn thiện, triển khai lập quy hoạch tổng thể vùng và khu du lịch quốc gia.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai tập trung, đổi mới về nội dung và hình thức, tính chuyên nghiệp được chú trọng. TCDL đã tham dự các hội chợ quốc tế như Travex 2016 tại Philippines, ITB Berlin 2016 tại Đức, MITT Nga, GES tại Ấn Độ, TTM plus tại Thái Lan; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước như Ấn Độ, Cộng hòa Séc; công bố các phim quảng bá du lịch; đón các đoàn famtrip, presstrip nước ngoài vào khảo sát du lịch Việt Nam… TCDL đã chỉ đạo, phối hợp với Hiệp hội du lịch và các địa phương tổ chức thành công Hội chợ VITM Hà Nội 2016, Hội chợ du lịch quốc tế nghỉ dưỡng biển và MICE – BMTM Đà Nẵng 2016, Festival Huế 2016…

Đặc biệt, trước tình hình biến động của hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung gây ra tâm lý e ngại đối với khách du lịch nội địa và quốc tế, ngành Du lịch đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, kịp thời chỉ đạo các địa phương có liên quan triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại của doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh lữ hành được siết chặt và thực hiện nghiêm túc. Quản lý tình trạng người nước ngoài lợi dụng vào Việt Nam đi du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép, gây mất an ninh trật tự được tăng cường, chấn chỉnh kịp thời và xử lý theo quy định.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4.706.324 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 32,4 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 15,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 200.339 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn, có thế mạnh về tài chính. Ngành Du lịch đã chứng kiến sự bùng nổ của nhiều dự án đầu tư có quy mô, tầm cỡ quốc tế: Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Gold Yield Enterprises; Công ty Cổ phần Him Lam; Tập đoàn Sun Group; Tập đoàn FLC; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường; Tập đoàn Mường Thanh…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới như: Cần tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phương tiện phục vụ khách; Tình trạng người nước ngoài lợi dụng vào Việt Nam du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành trái phép, hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động “chui” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm còn phức tạp, chưa được xử lý nghiêm; Khả năng chủ động ứng phó với diễn biến bất thường tại một số địa phương còn lúng túng, thiếu phối hợp…

Trong 6 tháng cuối năm 2016, ngành Du lịch tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm có: Hoàn thiện, thực hiện quy trình thẩm định, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi); Hoàn thiện, báo cáo Bộ VHTTDL, trình Chính phủ, Bộ Chính trị đề án “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ mới”; Hoàn thiện báo cáo phục vụ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với ngành Du lịch; Tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao trong khuôn khổ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5 tại Đà Nẵng; Tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại nước ngoài theo kế hoạch; Phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội chợ quốc tế ITE-HCMC 2016; Tiếp tục phối hợp với Kiên Giang tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia – Phú Quốc 2016 và phối hợp với Lào Cai chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và kiểm soát chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú.

Hương Lê

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục