Âm vang cồng chiêng
Xét về mặt vật chất, cồng chiêng được coi là tài sản thiêng liêng được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, bởi từ lâu lắm rồi bao giờ cồng chiêng cũng thể hiện là một thứ tài sản quý, một loại của cải vật chất mà nhìn vào đó có thể phân biệt được sự giàu nghèo, danh giá hay vị thế của gia đình, dòng tộc. Bất cứ dòng tộc, cộng đồng làng nào cũng sắm cho bằng được ít nhất một bộ cồng chiêng. Tất nhiên, tùy theo từng chủng loại chiêng mà giá trị khác nhau; có loại chiêng chỉ ngang giá một vài con trâu, nhưng cũng có loại chiêng giá trị tới 30 đến 40 con trâu một bộ. Có nhiều chiêng quý là giàu có, là sức mạnh, được người khác kính trọng. Dòng họ, làng nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ, làng khác nể nang, nghe theo.
Cơ cấu và thành phần của từng bộ cồng chiêng của mỗi nhóm dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đều khác nhau. Có bộ chỉ gồm 2 chiếc, nhưng có bộ lên tới 10 hoặc 15 chiếc. Ở những bộ chiêng như thế có cồng là loại có núm với chức năng đệm, giữ nhịp và chiêng là loại không có núm, còn gọi là chiêng bằng, loại chiêng bằng nhỏ hơn còn gọi là thanh la. Dù ít hay nhiều thì cách trình diễn truyền thống phải mỗi người một cái, trong âm nhạc người ta gọi là dàn chiêng. Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người.
Ở góc độ văn hóa tinh thần, cồng chiêng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng của truyền thống văn hóa các nhóm dân tộc bản địa nơi đây. Cồng chiêng là loại nhạc cụ nghi lễ, được sử dụng trong các dịp lễ hội, là thành tố cơ bản để tạo nên lễ hội. Diễn tấu cồng chiêng là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi trở về với đất trời, với vũ trụ. Chưa thấy một lễ hội dân gian nào vắng mặt cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình (đối với nhóm địa phương Ca Dong, Xơ Teng (Xơ Đăng) ở Bắc Trà My và Nam Trà My; nhóm địa phương Bhnoong (Giẻ Triêng ở Phước Sơn) hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng làng (đối với dân tộc Cơtu ở Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang). Có thể nói, cồng chiêng giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. Điều ấy không chỉ minh chứng cho truyền thống lâu đời của cồng chiêng của các dân tộc thiểu số Quảng Nam mà còn cho thấy tính văn hóa độc đáo của nó. Trong một lễ hội dân gian quy tụ được nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, với nhiều loại nhạc cụ khác nhau thì khi cồng chiêng lên tiếng sẽ thu hút sinh hoạt của nhiều người nhất, nghệ thuật âm nhạc của cồng chiêng cũng chiếm thời lượng nhiều nhất; trong lễ hội. Xuất phát từ vai trò quan trọng của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội của đồng bào nên cách thể hiện âm nhạc cồng chiêng cho từng loại hình tín ngưỡng, lễ hội cũng khác nhau (đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, theo thống kê của các nhà khoa học có tới hơn 60 điệu chiêng, riêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam chưa thống kê được tất cả bao nhiêu điệu chiêng). Có rất nhiều bài chiêng như: chiêng ăn mừng nhà làng truyền thống (sửa hoặc xây mới), chiêng mừng lúa mới, chiêng đâm trâu, chiêng đón khách, chiêng tiễn khách, chiêng đám cưới, chiêng tang ma, chiêng lễ bỏ mả, chiêng kết nghĩa, chiêng ăn mừng chiến thắng, chiêng lễ xuống giống, lễ cầu an cho lúa... Tùy theo từng bài chiêng mà có trống, lục lạc, chuông đồng... tạo nên sự hoà âm phong phú. Quyện hòa trong tiết tấu, giai điệu của cồng, chiêng là những âm thanh của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; là màu sắc của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Có thể khẳng định cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng đã gắn bó máu thịt với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, sinh hoạt cồng chiêng trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội; là tài sản tinh thần vô giá, là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa của các tộc người nơi đây.