Biệt thự Đà Lạt - Bảo tàng kiến trúc độc đáo của Đông Nam Á
Giữ kiến trúc cổ cho mai sau
Thần thái của Đà Lạt nhìn từ góc độ cảnh quan môi trường không thể thiếu vắng những cánh rừng thông trùng điệp. Nói cách khác, thông đã tạo nên hồn cốt của Đà Lạt; nét duyên dáng, quyến rũ của đô thị này là hoa, cái ấm áp tình người trong sương lạnh. Còn những biệt thự cổ kính là khoảng không gian hoài niệm với cảm giác êm đềm, bình an như đang trở về ngôi nhà thân thương của chính mình...
Đà Lạt từng sở hữu quỹ kiến trúc vô giá với hơn 1.500 ngôi biệt thự cổ được xây dựng theo lối kiến trúc các vùng, miền của nước Pháp vào thế kỷ XIX. Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, nhiều biệt thự trong số này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Để cứu “kho” kiến trúc này đang bị sử dụng lãng phí, xuống cấp, năm 2004, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án “sử dụng hợp lý quỹ biệt thự Đà Lạt” mở hướng mới thu hút các nhà đầu tư cải tạo những biệt thự kiến trúc Pháp để bảo tồn, khai thác kinh doanh.
Đi đầu trong các dự án cải tạo biệt thự cổ kiến trúc Pháp để làm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Lạt là Tập đoàn Six Senses với dự án đầu tư cải tạo quần thể 17 biệt thự cổ xây dựng từ những năm 1920-1930 ở khu Lê Lai, trên diện tích khoảng hơn 14ha (thuộc khu vực P.5, TP. Đà Lạt) thành khu resort nghỉ dưỡng 4 sao mang tên Evason Mandara Villas Dalat. Trong quá trình cải tạo quần thể khu biệt thự này (57 phòng/17 căn biệt thự), nhà đầu tư đã phục chế nguyên trạng hình thể của từng phòng ngủ, phòng khách và đến cả lối đi, hoa cỏ được chăm sóc tỉ mẩn nên rất gần gũi và thân thiện với môi trường, vì vậy đã thu hút nhiều khách hạng sang. Mặc dù giá phòng trên dưới 500 USD/ngày đêm nhưng bình quân công suất phòng luôn đạt từ 70-75%. Một số du khách lưu trú tại đây đã nhận xét: “Mới mà như cũ, hiện đại mà vẫn cổ kính”, giống như “Một thiên đường trong lớp vỏ hoang sơ”.
Ngoài các biệt thự khu Lê Lai, còn có dự án cải tạo nâng cấp 13 biệt thự nằm trên đường Trần Hưng Đạo, có vị trí rất đẹp do Cty CADASA làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến ban đầu 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo BQL dự án này, số vốn thực tế mà Cty bỏ ra đầu tư vượt gấp 10 lần bởi những ngôi biệt thự này đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Việc cải tạo ngôi biệt thự đá theo lối kiến trúc Tây Ban Nha (biệt thự số 1A-1B-Quang Trung) hay còn gọi là biệt thự Phi Ánh (thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại) của Cty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Ông Nguyễn Quốc Hoài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty này cho biết: “Ban đầu kinh phí dự kiến là khoảng 10 tỷ đồng, nhưng con số thực tế đã tăng lên gấp nhiều lần vì bên trong đã mục nát hết, ngoài ra chưa kể vật liệu trùng tu nguyên trạng là rất khó tìm”.
Mặc dù việc đầu tư cải tạo những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp trên phố núi rất tốn kém, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không ngần ngại bỏ vốn vào đầu tư. Vì theo họ, tuy tốn kém, nhưng nếu biết quản lý khai thác tốt sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Đến nay, trong số 88 căn biệt thự để ở và 38 căn biệt thự kinh doanh nằm trong đề án “Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự Đà Lạt”, chủ yếu tập trung ở khu Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Phó Đức Chính và Nguyễn Du, đều đã được các nhà đầu tư đăng ký thuê (với thời hạn 50 năm) để đầu tư kinh doanh du lịch.
Bên cạnh việc bảo tồn vốn biệt thự cổ, vài năm gần đây, Lâm Đồng đã quy hoạch kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng với chính sách ưu đãi. Không ít các resort đang mọc lên với nguồn vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc BQL dự án khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho biết, đến thời điểm này đã có 32 dự án được đăng ký với tổng vốn lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, với hàng trăm biệt thự cao cấp sẽ được xây dựng và đưa vào kinh doanh phục vụ nghỉ dưỡng trong tương lai gần. Việc thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế của Lâm Đồng, đồng thời góp thêm vào vốn kiến trúc biệt thự của Đà Lạt. Các dự án resort này sẽ tạo thêm gần ngàn căn biệt thự nằm trên triền đồi với khuôn viên rộng rãi, rất gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, hầu hết các kiến trúc đều kế thừa từ kiến trúc biệt thự cổ – sản phẩm đã tạo nên hồn phố Đà Lạt xưa nay.
Biệt thự sân vườn lên ngôi
Mảng kiến trúc khác do tư nhân đầu tư cũng không nằm ngoài cuộc kiến thiết nên diện mạo đô thị phố núi. Một cán bộ Trung tâm Quản lý và Phát triển nhà Đà Lạt, cho biết: “Gần đây, nhiều người ở TPHCM, Đồng Nai đã đầu tư xây dựng biệt thự sân vườn ở Đà Lạt”. Kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng, nói đến biệt thự phải hội đủ nhiều yếu tố, ngoài diện tích rộng để xây sân vườn, tạo không gian lãng mạn cho ngôi nhà, yếu tố khí hậu và thế đất cũng không thể thiếu. Đà Lạt hội đủ các yếu này. Vấn đề còn lại là giá đất sẽ quyết định việc mời gọi nhà đầu tư. Ông Tô Hùng Xô, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Đà Lạt, thổ lộ: “Nhà và đất biệt thự sân vườn ở thời điểm này là một thị trường đầy tiềm năng”. Không phải chỉ có giới đại gia mới sở hữu những ngôi biệt thự triệu đô (USD) trong các dự án lớn, nhiều người có thu nhập khá cũng có thể “tậu” cho mình một ngôi biệt thự, kiểu dáng kiến trúc đẹp hợp túi tiền.
Từ các dinh thự, các công trình công cộng (ga Đà Lạt), trường học (Cao đẳng Đà Lạt)... đến các biệt thự cổ đã tạo ra cho Đà Lạt một bảo tàng kiến trúc đẹp nhất nước. Theo GS-TS Hoàng Đạo Kính, sự hiện đại của kiến trúc nằm ở vật liệu, phần bên trong (nội thất) ngôi nhà. Phát triển đô thị Đà Lạt một cách khôn khéo nhất đó là sự phát triển tiếp nối không làm mất đi những giá trị cũ nhưng vẫn tạo dựng được bộ mặt đô thị hiện đại, đặc thù. Có như thế Đà Lạt mới là một bảo tàng kiến trúc bậc nhất Đông Nam Á.