Hành trang lữ khách

Hòn Đá Bạc – Điểm đến lí tưởng của Du lịch Cà Mau

Cập nhật: 29/09/2016 10:34:10
Số lần đọc: 2510
Sau khoảng 1 giờ di chuyển bằng xe máy từ thành phố Cà Mau về phía Tây Nam chúng ta sẽ đến với Hòn Đá Bạc – một cụm đảo ven biển cách đất liền khoảng 400m thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Điểm du lịch cách thành phố Cà Mau khoảng 45km đường bộ này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2009. Du khách đến với Hòn Đá Bạc có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau như ô tô, mô tô, xe buýt. Đây là một điểm du lịch lí tưởng dành riêng cho khách du lịch có nhu cầu về một ngày nghỉ thư giãn hoặc một chuyến picnic với những hoạt động như đi dạo, câu cá, hóng gió biển… sau những ngày làm việc mệt mỏi.

 

Đi dọc làng chài ven biển, chúng ta sẽ bắt gặp những chiếc thuyền đánh cá neo đậu sau những ngày ra khơi nằm phơi mình trong cái nắng hanh hanh vàng của khí trời buổi sáng, những người dân nơi đây đang cần mẫn và bận rộn vá lưới, xẻ cá làm khô, những nhà hàng, quán ăn thoang thoảng mùi vị đậm đà của những món ăn mang hương vị biển và những gian hàng bán đồ lưu niệm, tiếng chào mời của những người bán hàng vừa gợi mở, vừa chân tình làm cho những ai không muốn cũng phải dừng chân đắn đo trong giây lát. Người dân nơi đây có vẻ rất biết làm du lịch, nhu cầu của khách du lịch khi đến dường như đã được họ “đi guốc trong bụng” họ trưng bày bán những sản phẩm thật sự cần thiết như nón rơm, dép lào, cần câu, nước giải khát,… dịch vụ xe điện cho những khách du lịch cảm thấy mỏi chân trở về. Bắt đầu hành trình khám phá Hòn Đá Bạc, chúng ta sẽ tiến hành một cuộc dạo bộ trên cây cầu bê tông vừa chụp hình vừa hít thở không khí trong lành và đón cái nắng gay gay tạc vào mặt theo từng cơn sóng biển. Từ xa xa, Hòn Đá Bạc hiện ra nằm nhô lên khỏi mặt biển. Nằm cạnh hòn Đá Bạc là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ cùng hòa quyện với hòn Đá Bạc kết hợp thành một cụm Hòn thật ấn tượng, mới hiểu được tại sao Hòn Đá Bạc lại trở thành một điểm đến lí tưởng của khách du lịch đến như vậy.

Sau cuộc hành trình trên cầu, chúng ta thật sự đặt chân lên đến Hòn Đá Bạc, toàn cảnh Hòn Đá Bạc hiện lên trước mắt chúng tôi là những khối đá granit, bạc đầu được tạo nên qua quá trình địa chất từ 180 triệu năm thành những hình thù đẹp mắt lẫn kì lạ như: bàn tay, dấu chân tiên, tổ ong, con cá,…

Những dấu vết của thiên nhiên còn lưu lại nơi đây là những cánh rừng cổ thụ, những bãi đá cheo leo, những dốc cao chơi vơi và những truyền thuyết huyền bí để giải thích cho những dấu vết ấy một cách huyền thoại và thuyết phục. Chúng ta, ai nấy đều phấn khởi khi biết chắc mình sẽ có một chuyến đi thật ý nghĩa. Hoạt động đầu tiên của chúng ta sẽ là đi thăm Bảo tàng chuyên án CM12 (Nơi đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong những năm 80, sau 30/4), thắp nhang cho Nam Hải Đại Tướng Quân (Sắc phong của cá Ông) tại Lăng Ông Nam Hải (nơi thờ một trong những bộ xương cá Ông lớn nhất Cà Mau) và nghe những câu chuyện, giai thoại về cứu người gặp nạn của Ông gần đảo Hòn Chuối.

Khi hoàn thành xong nghi thức thể hiện sự kính trọng của mình đối với những nơi thờ tự, theo như sự chỉ dẫn của một số người dân địa phương chúng ta sẽ tham gia vào các hoạt động như câu cá, câu mực, đục hàu,… Hoạt động không đơn độc mà có sự tham gia của những người dân địa phương, những đứa trẻ nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng ta cách mắc mồi câu, cho chúng tôi đi ké xuồng để đục hàu, câu cá,…

Ròng rã hồi lâu cũng có chiến lợi phẩm, nhưng do không chuyên chúng ta chỉ thu hoạch được một vài con cá, một số hàu,… phải mua thêm một ít nữa từ mấy chú bé rồi đem đến nhà hàng Hòn Đá Bạc gửi làm một vài món, chúng ta sẽ có một bữa trưa ngon lành. Trong thời gian lưu lại trên Hòn, chúng ta có dịp trò chuyện với mấy chú ngư dân, được họ kể nhiều mẫu chuyện huyền thoại về Hòn Đá Bạc trong lòng cảm thấy có phần thêm thú vị về nơi mình đang đến.

Cảnh quan trên Hòn Đá Bạc có thể nói là hết sức nên thơ và quyến rũ lòng người. Chúng ta thỏa sức tung tăng khám phá, len lõi leo lên những vách đá chênh vênh, nằm trên những khối đá khổng lồ, dưới bóng mát của táng cây rừng và nghe tiếng chim rả rít, tiếng sóng biển vỗ rì rào. Tất cả hòa điệu thành một bản nhạc giao hưởng du dương của trùng khơi, biển cả.

Về chiều, Hòn Đá Bạc như một bức tranh thủy mặc với những ráng chiều đo đỏ soi mình xuống lòng biển xanh tạo nên những vết đỏ sóng sánh trên mặt biển. Không còn cái nắng gay gắt của buổi trưa để du khách phải nép mình dưới những táng cây xanh mát, mà thay vào đó họ được thỏa sức nô đùa bên sóng biển và lưu lại những hình ảnh hết sức tự nhiên trong phong cảnh nên thơ, sống động của Hòn Đá Bạc.

Chúng ta rời xa Hòn Đá Bạc với những bức hình kỉ niệm nhưng vẫn còn tiếc ngẩn ngơ bởi khung cảnh buổi chiều còn quá cám dỗ. Nếu như không phải bận bịu với công việc, chúng ta chắc chắn sẽ lưu lại thời gian nhiều hơn nữa để ngắm cảnh bình minh và những điều kì thú khác.

Một lần đến với Hòn Đá Bạc, chúng ta sẽ được cảm thấy xao xuyến, lưu lại mãi trong lòng với cái đẹp chân phương và tự nhiên của nó. Hòn Đá Bạc đã để lại trong du khách những ấn tượng thật sâu sắc khó quên./.

Nguồn: camautourism.vn

Cùng chuyên mục