Non nước Việt Nam

Đón Tết cổ truyền của người Si La

Cập nhật: 11/12/2008 09:12:06
Số lần đọc: 2001
Khi vụ thu hoạch lúa, ngô đã hoàn tất và khi những vạt hoa dã quỳ nở vàng bên đường núi, dọc theo ven suối Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé thì cũng là lúc người Si La ở vùng biên viễn này tạm gác việc nương rẫy, bắt đầu đón Tết cổ truyền mừng năm mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân tộc Si La có số dân dưới 1.000 người; trong đó ở Nậm Sin có 35 hộ, với 117 nhân khẩu. Tuy số nhân khẩu còn lại ở Nậm Sin rất ít, song người Si La ở đây vẫn giữ được những phong tục truyền thống, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền.

 

Người Si La ăn Tết cổ truyền không theo ngày cố định, khi nào thu hoạch mùa màng xong họ tổ chức Tết với mong muốn bình an và cầu cho mùa màng vụ sau bội thu. Năm nay, người Si La tổ chức Tết cổ truyền từ ngày 5 - 8/12 (dương lịch) trong cái rét cắt da, thịt của miền biên viễn, nhưng không khí ngày Tết vẫn nhộn nhịp, tưng bừng.

 

Để chuẩn bị cho ngày Tết, cả bản nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng bận rộn, mỗi người mỗi việc nhóm mổ lợn, nhóm làm bánh dầy. Ngày trước, Tết cổ truyền của người Si La luôn có món thịt sóc khô để cúng tổ tiên, nhưng một vài năm gần đây, do rừng bị chặt phá, sóc bị săn bắn nhiều nên món sóc khô - vật thờ cúng tổ tiên trở nên khó tìm. Cũng vì thế mà Tết năm nay cả bản Nậm Sin không gia đình nào có thịt sóc khô để cúng tổ tiên.

 

Giữa muôn ngàn khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, song bữa ăn trong ngày Tết cổ truyền của người Si La ngoài mang yếu tố văn hoá tinh thần, nó còn là một bữa ăn cộng đồng, là dịp họp mặt của bà con trong bản và giao lưu với cộng đồng các dân tộc xung quanh. Ngày Tết họ đến chúc nhau mạnh khỏe, làm được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều con lợn, con gà... Chúc nhau xong họ cùng ăn Tết, cùng say trong men thơm của lá rừng. Người già kể cho con cháu nghe chuyện về lớp người đi trước tìm đường theo Đảng, theo cách mạng, về những truyền thuyết xa xưa của dân tộc. Rồi chuyện về những chuyến đi săn, về cái thuở nai rừng về uống nước ven suối, hổ về bản bắt lợn, cá nhung nhúc dưới suối Nậm Sin... Thoắt đã bao năm rồi, đến nay người dân Chung Chải phải đi bộ cả ngày trời mới có thú nhỏ để săn và cá để bắt. Tết đến cũng là dịp để Trưởng bản răn dạy con cháu, tuyên truyền bà con trong bản chịu thương chịu khó lao động sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu.

 

Ngày Tết của bà con dân tộc Si La còn vui hơn vì cứ theo thường lệ đến ngày tết các hộ trong bản được cán bộ xã, cán bộ, chiến sỹ đội Công tác biên phòng tại địa bàn, các thầy cô giáo dạy trong bản... đến chia vui và chúc mừng bà con.

 

Đi khắp bản Nậm Sin, chúng tôi thấy nhà nào cũng bày sẵn mâm cơm, bàn rượu để tiếp khách. Ai đến chúc Tết cũng phải ngồi lại uống với chủ nhà vài ba chén rượu đầu xuân. Người phụ nữ Si La cả ngày ngồi bên bếp lửa, thêu thùa, nấu nướng phục vụ khách đến nhà. Từ những bản láng giềng như Nậm Khum, Đoàn Kết.. nhiều người cũng kéo về Nậm Sin vui Tết.

 

Cùng nhau say bên chén rượu thơm men lá rừng, thanh niên nam nữ trong bản tổ chức các trò chơi thể thao truyền thống như ném còn, kéo co, hát đối tại trung tâm bản. Đây cũng là dịp để trai, gái tìm hiểu trao đổi tâm tư tình cảm và thầm mong sớm đến ngày “buộc chỉ cổ tay”.

 

Ở Nậm Sin chưa có nhà văn hoá cộng đồng, nên gia đình trưởng bản Lỳ Trà Che là nơi tập trung gặp gỡ, hội họp của dân bản. Bên mâm cơm giản dị và những chén rượu thơm men lá rừng, chân chất và ấm áp tình người, cuộc vui cứ thế kéo dài đến thâu đêm suốt sáng, sang cả ngày hôm sau.

 

Đến Chung Chải khi mùa xuân đang về, lại được may mắn ăn Tết cổ truyền của người Si La, tham gia Tết của dân tộc Hà Nhì, chúng tôi được hoà mình vào ngày hội mùa xuân đậm nét văn hóa truyền thống nguyên sơ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn nơi cực Tây của Tổ quốc.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT