Độc đáo ở Chùa Mã Tộc (chùa Dơi) của người Khmer Nam bộ
Chùa Dơi, nguyên gốc tiếng Khmer là Sêrây Têcho Màha Tup theo nghĩa cổ là “Đại quân” hay “Sự ngăn chặn lớn”. Chùa tọa lạc trên khu đất rộng 3 ha, rợp bóng cây trái, nằm cạnh trục lộ giao thông nối liền thị xã Sóc Trăng với thị trấn Mỹ Xuyên, cách chợ Mùa Xuân, phường 3 khoảng 1km. Mái chùa lợp ngói nhiều màu, gồm 2 tầng, phía trên giao nhau thành góc 30 độ. Hai đầu trống ở hai mái lợp bằng một tấm hình tam giác, gọi là Hô Cheang, chạm trổ tinh vi.
Cái đặc biệt góp phần làm cho ngôi chùa nổi tiếng là có sự ngụ cư của một tập thể “tín đồ” đông đảo, ngày ngày treo mình trên các cành cây nghe chuông mõ, kinh kệ một cách thầm lặng. Đó là họ hàng nhà dơi. Không ai còn nhớ rõ, chúng đã chọn chùa làm “đất lành treo cánh” từ thuở nào. Dơi treo ngang, mắc dọc lủng lẳng đan kín từ cành tới nhành các cây, nhìn xa cứ tưởng như diện kiến với loài cây lạ sai oằn trái suốt bốn mùa, tám tiết. Với hàng vạn dơi quạ lớn nhỏ quần tụ quanh khuôn viên, đủ điều kiện để cư dân đặt cho chùa cái tên khá độc đáo: chùa Dơi.
Độc đáo hơn là loài dơi ở đây đông đảo như thế mà từ trước đến giờ, chưa phát hiện trường hợp con dơi nào nghỉ cánh trên cành cây của hộ dân xung quanh, dù rằng gốc của nhánh cây ấy nằm sát ranh hay nhánh của cây ngã qua khuôn viên chùa.
Thật vậy, khách tham quan và bà con xung quanh chùa vô cùng ngạc nhiên về trường hợp này, cho dù dơi là động vật sãi cánh dài, mà không va chạm bất kỳ cành cây nào ngoài cây của chùa.
Chùa Mã Tộc trở thành danh thắng, thu hút động đảo khách bốn phương. Đồng thời, chùa còn là nơi để người Khmer sinh hoạt tinh thần và để các thanh niên thực hiện nghĩa vụ báo hiếu đối với cha mẹ, nghĩa vụ thiêng liêng của tộc người mến đạo, thành tâm góp sức xây dựng và phát triển quê hương ngày một rạng rỡ. Chùa Dơi là một trong những công trình đẹp trong vườn kỳ quan cổ tự, một vườn hoa văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt