Non nước Việt Nam

“Vũ điệu mừng xuân” ở Tràm Chim, Đồng Tháp

Cập nhật: 19/12/2008 09:12:54
Số lần đọc: 2258
Tràm Chim nằm ở trung tâm Đồng Tháp Mười, giữa 4 xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ và Tân Công Sính, thuộc huyện Tam Nông, cách thị trấn Tam Nông 800m đường chim bay. Nơi đây xưa kia là rừng tràm bạt ngàn, chim thiên di về đông đúc.

Thời chiến tranh, rừng tràm bị tàn phá, nước cạn, phèn dâng lên mặt đất, các loài tôm cá (thức ăn chính của chim) cạn kiệt, nhiều loài chim bỏ đi không về... Sau chiến tranh, năm 1985, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia đất ngập nước Tràm Chim rộng trên 7.000 ha, trồng lại rừng tràm, cải tạo đất chua phèn, phục hồi môi trường. Trong số 27 vườn quốc gia của Việt Nam, Tràm Chim được đánh giá là một trong những nơi có hệ sinh thái đa dạng, phong phú nhất, mang đặc trưng tiêu biểu của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười.

 

“Bức tranh thiên nhiên” ở Tràm Chim rất phong phú và đa dạng với các loài động vật: trăn, rùa, lươn, rắn, các loại cá đồng và những rừng tràm, sậy, lao, lúa mạ, hoa sen, súng,... cùng với nhiều loại chim nước như: cò, diệc, vịt trời, cồng cộc, trích cồ và đặc biệt là sếu (hạc). Loại chim quý hiếm này hàng năm rủ nhau bay về phương Nam tránh cái lạnh và kiếm mồi tại Tràm Chim. Chúng bay từ vùng Siberia xuống tận vùng rừng ngập nước Đồng Tháp Mười và vài vùng ở Campuchia, Thái Lan, ngang qua Trung Quốc, miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Đến thăm Tràm Chim vào mùa xuân, du khách sẽ chứng kiến từng đàn sếu bay về ăn củ năn cùng với nhiều loài chim khác tụ họp thành đàn, trông rất thơ mộng.

 

Sếu to và cao trên 1,7 m, bộ lông xám mượt, cổ cao, đầu đỏ, đôi cánh dang rộng khi bay. Sếu rất chung thủy, bao giờ cũng có đôi vui đùa nhảy múa và rất gần gũi với con người. Với người Việt Nam, sếu là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy (trong các đình, chùa và trên nhiều bàn thờ của gia đình người Việt Nam đều có thờ chim hạc).

 

Năm 1992, khu bảo tồn đã được chính phủ công nhận. Hiện nay, được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường thế giới và các nhà khoa học quốc tế, UBND tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Bảo vệ môi trường quốc gia đã quyết tâm phục hồi môi trường cho Tràm Chim, đã khoanh vùng khu bảo vệ Tràm Chim với một hệ thống bờ bao công phu, tốn kém, đồng thời vận động nhân dân quanh vùng tích cực bảo vệ loài sếu quý hiếm này. Số lượng sếu bay về mỗi năm một tăng, trong đó có 1/4 là hạc con lần đầu bay theo bố mẹ về.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT