Non nước Việt Nam

Xếp hạng di tích lịch sử đình Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai)

Cập nhật: 16/12/2008 13:12:27
Số lần đọc: 2888
Sáng nay 16/12/2008, tại đình Hưng Lộc (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) diễn ra lễ trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi đình này.

* Qua bao thăng trầm

 

Đình Hưng Lộc xưa kia thuộc thôn Hưng Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa. Đình được các bô lão và nhân dân khởi dựng vào khoảng năm Duy Tân thứ 6 (Nhâm Tý - 1912) tại vùng gò đồi đất đỏ, rừng núi bao quanh, cây cối um tùm ở ấp Gia Nhang. Ban đầu, đình có diện tích khoảng 50m2, dựng bằng vật liệu thô sơ, có sẵn ở địa phương. Đình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của địa phương, thờ Thành hoàng làng Hưng Lộc. Đình được vua Khải Định năm thứ 2 (Đinh Tỵ - 1917) phong Sắc thần với danh hiệu: "Đông ngưng Dực bảo Trung hưng".

 

Năm 1945, đình Hưng Lộc là nơi hoạt động của Đội Thanh niên Tiền phong Hưng Lộc. Cuối năm 1946, thực dân Pháp nghi ngờ đình là cơ sở hoạt động của Việt Minh nên đã mở cuộc tấn công vào ấp Gia Nhang và đốt phá đình.

 

Năm 1947, chính quyền thực dân không cho nhân dân dựng lại ngôi đình ở vị trí cũ, các bô lão đã chủ trương dựng lại đình ở Suối Bí, cách vị trí cũ khoảng 10km về hướng Nam, trong một không gian núi rừng rộng lớn. Ở vị trí mới này, đình cũng được dựng hết sức đơn giản, chỉ một chánh điện với diện tích 50m2.

 

Năm 1957, chiến tranh ngày càng ác liệt, một lần nữa địch lại đốt đình, không cho nhân dân xây dựng lại ở Suối Bí. Năm 1958, các bô lão cùng với đông đảo nhân dân địa phương quyết định xây dựng lại ngôi đình ở ấp Hưng Thạnh, ngay cạnh quốc lộ 1. Đây là khu vực địch kiểm soát nên chúng không có cớ để đốt phá nữa. Đình được xây dựng trong khuôn viên có diện tích 700m2, chỉ gồm chánh điện dạng nhà tứ trụ với diện tích 96m2.

 

Đến năm 1963, do vị trí tọa lạc trong khuôn viên hẹp, ẩm thấp, khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo nhân dân, đình được dời sang vị trí mới trên gò đồi rộng 1.733m2. Đây là một vị trí cao ráo, thoáng mát, nằm trong khu vực đông dân cư, gần đường giao thông, thuận lợi cho việc tín ngưỡng của nhân dân. Ở vị trí này, đình được xây dựng quy mô lớn hơn, bố cục mặt bằng dạng chữ Nhị, gồm chánh điện và hậu đình với tổng diện tích 230m2. Dịp này, đình cũng xây dựng một bức bình phong phía trước; miếu thờ Ngũ hành nương nương và Địa mẫu ở bên trái chánh điện.

 

Năm 1990, Ban quý tế đình tiến hành trùng tu lại chánh điện. Năm 1993, Ban quý tế xây thêm cổng Tam quan ở sát quốc lộ 1A nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng nhận biết nơi tọa lạc của ngôi đình.

 

Năm 1995, Sở Văn hóa - thông tin, Huyện ủy, UBND huyện Thống Nhất, UBND xã Hưng Lộc, Ban quý tế đình cùng nhân dân địa phương nhất trí cùng dựng một nhà bia tưởng niệm 134 anh hùng liệt sĩ huyện Thống Nhất trong khuôn viên đình bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Ban quý tế cũng đã cho xây thêm hạng mục tiền đình ở phía trước chánh điện, có diện tích 110m2 và tường rào bao quanh khuôn viên đình. Sau lần trùng tu sửa chữa này, đình có bố cục mặt bằng dạng chữ Tam, diện mạo này được tồn tại cho đến ngày nay.

 

* Gìn giữ văn hóa làng, phát huy tinh thần dân tộc

 

Đình Hưng Lộc là một cơ sở cách mạng quan trọng. Trong quá trình tồn tại ở địa điểm Gia Nhang và Suối Bí, đình đã ghi dấu những sự kiện hoạt động cách mạng của Đội thanh niên Tiền phong, Đội du kích, Ủy ban tự quản xã Hưng Lộc và Đại đội La Nha, cùng các cơ sở cách mạng ở địa phương. Những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng này đã góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng Hưng Lộc, Thống Nhất mùa thu năm 1945 và tạo nên thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng Hưng Lộc - Thống Nhất.

 

Trong thiết chế văn hóa làng, đình Hưng Lộc là cơ sở tín ngưỡng có tính chất chính thống, được coi là nhà công cộng của làng, có chức năng thờ thần Thành hoàng làng, nơi tổ chức hội họp, lễ hội; nơi bàn việc công của làng... Đình cũng là nơi dân làng Hưng Lộc gửi gắm niềm tin tâm linh của mình vào thần Thành hoàng. Hiện nay, đình Hưng Lộc còn giữ được sắc phong thần - là một di vật quan trọng, là niềm tự hào của nhân dân làng Hưng Lộc và xã Hưng Lộc ngày nay, đồng thời là một giá trị văn hóa mà ít đình làng Nam bộ còn giữ được.

 

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể như nội dung sắc thần, hoành phi, liễn đối, các tác phẩm chạm khắc... mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về lịch sử của làng, công sức cha ông đã dựng làng, giữ nước.

 

Ngày nay, đình Hưng Lộc vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân xã Hưng Lộc. Việc thờ thần Thành hoàng làng, các bậc tiền hiền, hậu hiền, tiên sư vẫn được duy trì. Đình cũng là nơi thờ Bác Hồ, tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện Thống Nhất. Những nghĩa cử trên đã đưa nền "văn hóa đình làng" cổ truyền hòa với nền văn hóa trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, tạo thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT