Non nước Việt Nam

Tôn vinh đa dạng văn hóa và tri thức bản địa

Cập nhật: 15/12/2016 10:29:05
Số lần đọc: 1664
Tối 13/12, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra Festival “Tôi tin tôi có thể: Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống” do đại diện của cộng đồng các dân tộc thiểu số tới từ 15 tỉnh trên cả nước phối hợp tổ chức.


Điệu múa “Hương sắc bản Thái” của dân tộc Thái, Thanh Hóa.

Với thông điệp “không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn, mà tất thảy là sự đa sắc hòa hợp”, sự kiện đã thu hút được nhiều nhóm, mạng lưới dân tộc thiểu số cùng tham gia với mong muốn tôn vinh những giá trị văn hóa đa dạng và tầm quan trọng của tri thức bản địa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc.

Mười sáu tiết mục ca múa nhạc được trình diễn bởi đồng bào tới từ 11 dân tộc thiểu số đã mang lại cho người xem những cảm nhận sâu sắc và rõ nét về sự đa dạng văn hóa trong cuộc sống. Chương trình còn mang ý nghĩa tạo dựng đoàn kết xã hội trong cộng đồng cũng như hướng tới việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên của cộng đồng một cách hiệu quả.

Giàng A Thông người Mông tới từ huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hân hoan khi lần đầu được biểu diễn trước rất đông khán giả: “Tôi thấy rất phấn khởi vì được biểu diễn các tiết mục của người Mông, những tiết mục được truyền lại qua nhiều thế hệ. Tôi thấy tiết mục của các bạn dân tộc khác cũng rất hay”.


Tiết mục “Múa chuông” của dân tộc Dao, Yên Bái.

Hai anh em Bàn Thừa An và Bàn Thị An người dân tộc Dao đến từ huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình: “Chúng tôi muốn quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Dao đến bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng tôi biểu diễn các tiết mục của người Dao trong các lễ hội, dạy truyền miệng cho con cháu về các tập quán địa phương, tạo điều kiện để các thế hệ sau có cơ hội được tiếp xúc, duy trì văn hóa và các tập tục lâu đời của dân tộc mình”.

Tri thức bản địa của người dân tộc là những kiến thức được tích lũy qua thời gian và là nền tảng cho các quyết định của cộng đồng. Đây là những tri thức được chắt lọc rất kỹ lưỡng qua nhiều đời do vậy mang tính thực tế cao và là nguồn thông tin rất quý giá đối với người dân tộc thiểu số, giúp họ chủ động sử dụng các nguồn lực có sẵn, đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.

“Là một người dân tộc thiểu số, tôi rất xúc động khi được xem những buổi biểu diễn như thế này. Đây là một dịp tuyệt vời để bà con dân tộc thiểu số có thể giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc và các tri thức, tập tục lâu đời đến cho đồng bào Thủ đô. Không văn hóa nào là thấp, văn hóa nào là cao mà tất cả các văn hóa đều có nét đặc sắc riêng, đều bình đẳng với nhau. Các nền văn hóa đều nên được có một cơ hội bình đẳng để giới thiệu, chia sẻ và giao lưu”, bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc của Ủy ban Dân tộc chia sẻ.


Điệu múa “Chim K’lang” của dân tộc Pa Koh, Quảng Trị.

Với khả năng trình diễn xuất sắc cùng với niềm tự hào về cộng đồng mình, những chủ nhân của các nền văn hóa đã chứng minh tri thức bản địa là một tài sản vô giá của các đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp vào vẻ đẹp đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT