Bạc Liêu đề xuất lễ hội “Dạ cổ hoài lang” là lễ hội cấp quốc gia
Thực hiện Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở chọn lọc các di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê, Ban kiểm kê tỉnh Bạc Liêu nhận thấy lễ hội “Dạ cổ hoài lang” đạt giá trị tiêu biểu có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ”, do đó cần thiết lập hồ sơ và đưa vào danh mục lễ hội văn hóa cấp quốc gia.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong chương trình hành động về du lịch của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã giao ngành chức năng nghiên cứu, đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lễ hội “Dạ cổ hoài lang” thành lễ hội cấp quốc gia. Đề xuất này dựa trên các căn cứ là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013. Bạc Liêu đã xây dựng khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trong đó có hạng mục trưng bày về lịch sử và con đường phát triển của bản Dạ cổ hoài lang. “Dạ cổ hoài lang” là lễ hội cấp tỉnh của Bạc Liêu được tổ chức 2 năm một lần…
Trước khi thực hiện Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bạc Liêu đã bước đầu kiểm kê di tích, di sản văn hóa theo Chỉ thị 03/2006/CT-UBND của UBND tỉnh ngày 4/7/2006. Kết quả đã kiểm kê được các di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Dạ cổ hoài lang, đờn ca tài tử Nam bộ, văn học dân gian, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Quán âm Nam Hải, lễ hội Dạ cổ hoài lang, lễ hội Ok Om Bok, nghề rèn, nghề làm muối, nghề dệt, nghề đan đát, nghề hốt thuốc Bắc, nghề hốt thuốc Nam, nghề Kim hoàn…/.