Lần đầu tiên trưng bày 16 bảo vật quốc gia Việt Nam
Trống đồng Ngọc Lũ (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Trưng bày nhằm giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể về sưu tập Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa của mỗi bảo vật quốc gia. Từ đó giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa, những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trưng bày sẽ giới thiệu 16 bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ, biểu tượng của văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 – 2.500 năm. Trống đồng Ngọc Lũ được quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.
Trống đồng Hoàng Hạ được quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012, được phát hiện tại xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội). Trống đồng Hoàng Hạ là loại trống H1 điển hình, kiểu dáng, đề tài hoa văn trang trí độc đáo còn khá nguyên vẹn. Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, nhóm trống đặc trưng tiêu biểu nhất.
Thạp Đào Thịnh được quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Trong văn hóa Đông Sơn, thạp đồng là di vật tiêu biểu sau trống đồng và chủ yếu chỉ xuất hiện trong phạm vi phân bố của nền văn hóa này. Trong hàng trăm chiếc thạp đã phát hiện thì thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo nhất.
Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Đây là pho tượng sinh động nhất trong hệ thống tượng tròn Đông Sơn. Tượng miêu tả hai người đàn ông đóng khố, đầu chít khăn, đeo khuyên tai lớn chạm vai. Người cõng trong tư thế khom lưng, hai tay vòng ra sau ôm đỡ người ngồi trên lưng, hai chân như đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Người được cõng đang say sưa thổi khèn. Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh và nhiều đường cong lượn, đòi hỏi kỹ thuật khuôn đúc phức tạp. Bởi vậy, pho tượng không chỉ là bằng chứng về một loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đã được khởi nguồn từ văn hóa Đông Sơn mà còn phản ảnh đời sống tinh thần phong phú, sự lạc quan, yêu đời cũng như trình độ đúc đồng đỉnh cao của người Việt cổ.
Cây đèn hình người quỳ được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Cây đèn thể hiện theo hình tượng một người đàn ông mình trần đóng khố tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thẩm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này.
Mộ thuyền Việt Khê được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2013. Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có kích thước lớn nhất trong số những ngôi mộ cùng loại, hay còn gọi là mộ thuyền đã phát hiện ở Việt Nam.
Bia Võ Cạnh có quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2013. Đây là tấm bia cổ nhất Đông Nam Á. Bia là khối đá có hình trụ đứng. Trên 3 mặt khắc chữ Sanskrit. Đây cũng là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Champa.
Chuông chùa Vân Bản được quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2013. Đây là chiếc chuông cổ nhất đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt.
Ấn “Môn hạ sảnh ấn” được quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Ấn được phát hiện năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn hình vuông, đế ấn tạo ba cấp, núm ấn hình bia đá.
Bình vẽ thiên nga thời Lê sơ, thế kỷ 15, được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.
Bia điện Nam Giao thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Trị 4 (1679), được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2015.
Trống Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh, 1800, được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.
Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827, được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2015.
"Nhật ký trong tù", tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ chữ Hán do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc), 1942 - 1943.
Sách "Đường Kách mệnh" là tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và chuyển về nước.
Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, là hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, gắn bó với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ có ý nghĩa lớn lao về lịch sử, mà còn mang tính nhân văn, có giá trị về ngôn ngữ tiếng Việt. Với hai trang viết giản dị, dễ hiểu, tinh tế, nhưng hào hùng, hừng hực khí thế xung thiên, lời kêu gọi đã diễn tả được những tư tưởng, ý chí, tình cảm của cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp./.