Non nước Việt Nam

Lễ hội 12 con giáp của người Dao

Cập nhật: 30/12/2016 09:23:38
Số lần đọc: 1657
Người Dao ở Yên Bái có nhiều nghi lễ thờ, cúng quan trọng, trong đó có Lễ hội “12 con giáp” hay còn gọi Lễ hội cầu mùa luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Mỗi năm có 3 lần tổ chức lễ hội: ngày 2/2, 6/6 và 22/12 âm lịch.


Dân bản dâng lễ vật cầu thần linh

Người Dao quan niệm, mỗi năm ở trần gian đều có vị thần cai quản. Một năm có 12 tháng, tương ứng với 12 vị thần trông nom là 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi. Muốn gia đình bình yên, an lành và mùa màng bội thu thì hàng năm dân làng phải tổ chức cúng 12 vị thần con giáp.

Lễ cúng gồm: Mâm đầu lợn, gà, xôi; mâm hoa quả; mâm gạo, đèn, nhang... được đặt dưới cây nêu, tượng trưng cho trời và đất. Dưới cây nêu có 12 lá cờ ứng với 12 con giáp. Người dân dựng 2 ngôi nhà thu nhỏ và ngôi miếu để nhập thần. Dâng lễ đầy đủ, thầy cúng thực hiện nghi lễ: “Chúng con thắp 3 nén hương và dâng lễ mời các thần linh về chứng giám. Chúng con cúi đầu cầu thần 12 con giáp về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa”.

Thầy cúng khấn âm dương. Âm dương đã thuận, 12 con giáp hiện về. Mỗi thần linh con giáp bộc lộ tính cách đặc trưng của từng con vật. 12 con giáp được thầy cúng yểm bùa, ban lộc nước thánh, cho thụ hưởng sản vật... và cuối cùng đưa vào miếu thờ để trông coi mùa màng hàng tháng. 12 con giáp cũng được thầy cúng thụ lộc từng nhà để mọi người mạnh khỏe, không ốm đau và bệnh tật.

Phần lễ thực hiện xong, dân làng cùng chơi hội vui tươi, nhảy múa, reo hò trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Thầy cúng hô to: “Hãy thụ hưởng lộc trời, lộc đất, mời khách cùng uống rượu, thụ lễ và vui chơi cùng dân bản”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Nguồn: Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT