Non nước Việt Nam

Độc đáo làng hoa giấy Thanh Tiên - Huế

Cập nhật: 11/01/2017 09:00:04
Số lần đọc: 2178
Người xưa kể răng, Lúc kiệu hoa Chiêm vương Chế Mân rước Huyền Trân từ Thăng Long về kinh đô Đồ Bàn đi ngang qua đây vào độ cuối Đông. Nỗi nhớ quê cha dấu xưa xe ngựa vàng son, giữa hoang sơ lau lách cô công chúa cung son ngọc ngà đã kết giấy làm hoa đón xuân trong niềm hoài niệm cố cung.

Cũng có người bảo rằng Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do các cơn bão, lụt xảy ra hàng năm. Chính vì vậy, người dân ở vùng Thanh Tiên (một trong những vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh) mỗi năm đến mùa mưa, lũ kéo dài thường phải sống trong nỗi âu lo không biết làm gì để sinh sống. Vì vậy người dân mới nghĩ ra cách làm hoa giấy thay vì trồng hoa tươi (hay bị ngập lụt, bị úng) để mưu sinh. Mặt khác, tín ngưỡng dân gian của nhân dân ta rất coi trọng việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, các vị thần linh… Tục xưa, hoa giấy được dùng để trang trí ở những nơi tôn kính, linh thiêng nhất trong nhà. Xuất phát từ những đặc điểm đó mà nghề làm hoa giấy Thanh Tiên ra đời. Cho dù nó xuất hiện từ bao giờ, thì những giá trị cũng như hình ảnh hoa giấy Thanh Tiên đã trở nên quá quen thuộc với những người con xứ Huế và đặc biệt, nó không thể thiếu trong mỗi lần xuân về.

Từ trung tâm thành phố xuôi về Thuận An độ 5-6 cây số theo hướng Đông Bắc (hướng quốc lộ 49)- làng hoa giấy Thanh Tiên ẩn mình sau những hàng tre thẳng tắp. Đến Thanh Tiên dịp tháng chạp, từ xa rực rỡ lấp lánh đủ sắc màu. Nhà nhà đầy ắp nào tre nào giấy xanh đỏ tím vàng lung linh ngũ sắc. Đã bao đời nay vật đổi sao dời, muôn vàn gian nan trắc trở bà con cố giữ hoa giấy nếp nhà, giữ nó như nhớ về tổ tiên nguồn cội nhớ về một thuở vàng son…hoa giấy.

Cứ mỗi độ tháng chạp là lúc cả làng rộn ràng hẳn lên, người chặt tre vót nan, người nhuộm màu cho sắc giấy, người tạo dáng cánh hoa, người xếp hoa lên sàn …Mọi thứ đều phải cẩn trọng công phu. Người Thanh Tiên bảo rằng: “Hoa giấy giả mà thật, cái thật là sự kiên trì như chuyện trồng hoa tươi, cái thật là hoa vẫn giữ được sắc màu theo thời gian…”.

Hoa giấy gắn với đời sống tâm linh của làng Thanh Tiên và người xứ Huế. Mỗi độ xuân về hoa giấy theo chân người làng dạo khắp phố phường. Hoa giấy đến với chùa chiền và vào tận hang cùng ngõ hẻm làm đẹp ngày tết cho mọi nhà. Chẳng dễ gì đâu? Có được những bông hoa ngũ sắc ai nhìn cũng thích, người làm hoa phải chuẩn bị từ đầu thu tháng trước.

Tre được tuyển chọn là loại vừa tuổi chưa già nhưng không còn non, chẻ nhỏ vót mỏng phơi khô làm cành làm cuống. Phẩm màu là bí quyết gia truyền của gia đình dòng tộc- nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của hoa giấy Thanh Tiên.  


Nếu bạn là những vị khách chưa từng đặt chân đến Huế, hãy một lần đến Huế vào mùa này, cái mùa mưa buồn đến “thúi ruột”, cái mùa mà “1 tháng mưa 2 lần, 1 lần mưa 15 ngày” này để cảm nhận cái xứ Huế sống chậm buồn tênh. Và để bạn cảm nhận được rằng trong sự chậm chạm ấy, người Huế nuôi nấu trong mình những cánh én mang xuân về với mọi nhà.

Bỏ mặc cuộc sống xô bồ ở chốn thị thành, những người con xa Huế cố gắng sắp xếp công việc bộn bề để về với Huế, về với cái tết đoàn viên để xuân năm nay trọn vẹn hơn ! Về với làng hoa giấy Thanh Tiên, để gặp những người mang xuân về với Huế./.

Nguồn: khamphadisan.com

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT