Bắc Ninh: Sống lại các trò chơi dân gian giữa lòng thành phố
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 185 thành lập và 20 năm tái lập tỉnh với sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, chương trình thả diều nghệ thuật và các trò chơi dân gian đã làm sống lại một miền “ký ức tuổi thơ” trong lòng người dân và du khách.
Được chờ đợi nhất trong chương trình là cuộc thi diều sáo và trình diễn diều nghệ thuật với sự tham dự của 20 câu lạc bộ Diều các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong không gian thoáng rộng của khu công viên Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh), hàng trăm cánh diều với đủ chủng loại, kiểu dáng do các nghệ nhân, người chơi diều giàu kinh nghiệm trình diễn đã gây ấn tượng mạnh với người dân và du khách. Đặc biệt, 2/3 số diều tham dự chương trình đều là diều sáo - loại diều truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi chiếc có từ 3 đến 5 sáo tùy kích cỡ, tạo hình theo lối truyền thống song được các nghệ nhân trang trí bằng những hoa văn, màu sắc nổi bật, khi bay trên nền trời vô cùng rực rỡ, sinh động. Cùng với đó là tiếng sáo diều trong trẻo, vút cao tạo nên bản hòa tấu của đồng quê thanh bình trong tâm hồn người thưởng thức.
Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa diều Việt Nam chia sẻ: “Chương trình trình diễn diều nghệ thuật mang đến một sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân cũng như những người yêu thích diều trong và ngoài tỉnh. Sự xuất hiện của những chiếc sáo diều truyền thống, mang nét đặc trưng, sắc thái riêng cho từng vùng miền sẽ gợi lại hình ảnh “cánh diều tuổi thơ” trong lòng du khách tới tham dự, góp phần bảo tồn và nhân rộng thú chơi Diều sáo - một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc”.
Nếu như chiêm ngưỡng những cánh diều sáo bay lượn trên bầu trời mang đến cảm giác bình yên, thư thái thì sân chơi của các trò chơi dân gian khác như: Đu tiên, đi cà kheo, đập niêu đất, bắt chạch trong chum, chạy ró, nấu cơm niêu… lại sôi động bởi người chơi phải vận dụng hết sự khéo léo, khả năng vận động nhanh nhẹn, linh hoạt. Sau mỗi lần chơi dù thắng cuộc hay không khán giả đều dành cho người chơi những tràng vỗ tay động viên, cổ vũ nhiệt tỉnh. Nhiều khán giả trẻ tuổi cảm thấy bất ngờ, thích thú khi lần đầu tiên được biết tới và chơi thử những trò chơi dân gian mang những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng quê xứ Kinh Bắc xưa.
Hóa thân vào nhân vật “Thị Mầu” trong trò chơi Chạy ró do các nghệ nhân đến từ thôn Guột (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ) hướng dẫn, bạn trẻ Nguyễn Thị Hòa (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) hào hứng: “Được xem và hòa mình vào những trò chơi dân gian giúp em cảm nhận sâu sắc thêm về những nét đẹp văn hóa của cha ông, từ đó thêm yêu, tự hào về quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Mặc dù chưa thắng cuộc trong lần chơi này nhưng em rất vui vì biết thêm một trò chơi thú vị. Chắc chắn em sẽ hướng dẫn các bạn cùng chơi trò chơi này trong các giờ ngoại khóa ở trường”.
Gây ấn tượng đặc biệt là trò chơi dân gian Kéo co thôn Hữu Chấp (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Màn thi tài kéo co trong lễ hội làng được người dân thôn Hữu Chấp tái hiện đầy đủ, sinh động với 70 thanh niên trai tráng khỏe mạnh chia thành hai đội bên Đông và bên Tây. Tất cả đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông trên đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Dây kéo được làm bằng 2 cây tre dài lồng vào nhau, ở chỗ nối buộc lạt tạo hình 3 con nhện xoắn tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn của nhân dân trong làng. Không chỉ được theo dõi, hòa mình vào không khí sôi động trong ngày hội kéo co, người dân và du khách còn được giới thiệu, tìm hiểu về ý nghĩa truyền thống của trò chơi, gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tốt tươi, cuộc sống ấm no đủ đầy…
Nói về ý nghĩa của các trò chơi dân gian được giới thiệu trong chương trình, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Trò chơi dân gian luôn được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái, không khí vui tươi mà còn hướng mọi người đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt trò chơi dân gian chính là cây cầu nối hữu hiệu giúp thế hệ trẻ hiểu biết về những thú chơi và nét đẹp văn hóa của cha ông, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy; đồng thời quảng bá hình ảnh một Bắc Ninh giàu truyền thống, thân thiện, mến khách đến bạn bè và du khách gần xa./