Non nước Việt Nam

Lễ hội Lồng Tồng đặc sắc ở Bắc Cạn

Cập nhật: 08/03/2017 09:09:24
Số lần đọc: 1377
Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông và Ba Bể là hai lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Cạn. Thay vì tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng như những năm trước, từ năm nay, lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng cho đúng với truyền thống, nhiều nghi lễ, hoạt động được khôi phục.


Không gian lễ hội Lồng Tồng tổ chức tại hồ Ba Bể (Bắc Cạn).

Các mâm lễ gồm các sản vật, hương vị quê hương dâng lên đền Slấn Slảnh thờ cúng vị tướng họ Dương, người đã được nhân dân địa phương phong thánh vì có công dẹp loạn, mang lại cuộc sống an lành cho nhân dân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân vùng Phủ Thông. Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, mang đậm bản sắc dân tộc ở địa phương, đó là sli, lượn, hát then, đàn tính, tung còn, múa lân, đánh yến, đẩy gậy, bắt vịt dưới ao, bắn cung, bắn nỏ, leo dây, đánh đu, kéo co, đấm bù nhìn, đi cà kheo, nhảy lò cò, cờ tướng, đánh cù... Điều ấn tượng là các hoạt động được đông đảo bà con các dân tộc tham gia, tạo không khí vui tươi, tràn đầy tinh thần lạc quan về một năm được mùa, bội thu và lao động sản xuất thuận lợi.

Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể còn gọi là hội Hồ được tổ chức trước đó, tại bãi Bó Lù rộng lớn bên hồ Ba Bể. Năm nay tiết trời ấm áp, khô ráo, ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao từ các địa phương hai huyện Ba Bể, Chợ Đồn, một số vùng lân cận thuộc tỉnh Tuyên Quang với những trang phục đặc trưng của dân tộc mình, từ các ngả đường nườm nượp đổ về bãi Bó Lù để hòa mình vào không gian lễ hội rộng lớn. Đến với lễ hội này, ai cũng có thể tham dự các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, như bịt mắt bắt dê, kéo co, tung còn... lắng nghe các nghệ nhân, người dân địa phương biểu diễn các tiết mục văn nghệ mộc mạc, chân thật như chính con người nơi đây. Người dân địa phương chọn những con bò, dê khỏe mang đến hội để thi chọi, thể hiện tinh thần thượng võ, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Thi chọi xong, bà con lại dắt bò, dê về nhà chăm sóc.

Du khách đến lễ hội Lồng Tồng được thưởng thức bánh trời, bánh phồng, cơm lam, khẩu sli… hoặc mua sắm những kỷ vật được tạo thành từ đôi tay khéo léo của bà con dân tộc thiểu số, để hiểu hơn về đời sống và văn hóa truyền thống của người dân sống trong vùng hồ Ba Bể. Mùa xuân cũng là thời điểm đẹp nhất để tham quan, thưởng lãm cảnh quan sông núi, hồ nước nơi đây còn hoang sơ tươi đẹp và hùng vĩ. Người dân địa phương tin rằng, có dịp đến với lễ hội Lồng Tồng Ba Bể sẽ mang lại may mắn cho bản thân và gia đình. Vì thế, nhiều năm qua, tham dự lễ hội Lồng Tồng hồ Ba Bể - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành nhu cầu của đông đảo đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao.

Bài và ảnh: Thế Bình
Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT