Non nước Việt Nam

Cây đàn Vinh vut: Nhạc cụ đôc đáo của người H’re, Quảng Ngãi

Cập nhật: 26/12/2008 13:49:34
Số lần đọc: 2226
Cộng đồng người Hre ở Quảng Ngãi nói chung, một số dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam đều có nền văn hoá văn nghệ truyền thống lâu đời khá đa dạng, phong phú và độc đáo.

Ở thôn Làng Teng (Plây wi Hteng), xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, có cây đàn "Vinh vut" là một loại nhạc cụ truyền thống lâu đời, được các nghệ nhân diễn tấu trong những ngày vui Tết thật độc đáo và hấp dẫn.

 

Cây đàn Vinh vút được làm bằng cây nứa mọc trên rừng. Người ta đi lên rừng tìm cây nứa (tiếng Hre gọi là: long Razêu), chọn những cây đã già, thẳng, dài chặt mang về để làm cây đàn Vinh vut. Cây còn tươi, người ta cắt bỏ phần mắt, chọn những ống bằng nhau để làm thành một cặp (cây đàn Vinh vut gồm có hai ống), một cây ngắn hơn, một cây dài hơn độ khoảng 5-10cm. Chiều dài hay ngắn, to hay nhỏ của cây đàn tuỳ theo ống cây nứa. Có cây đàn dài từ 90cm đến 1m. Hai đầu cây đàn được những người có hoa tay chạm khắc lên những hoạ tiết hoa văn tuỳ thích, trông thật đẹp mắt. Đã thành những bộ cây đàn, người ta lấy dây rừng bó lại từng cặp với nhau, đem phơi ngoài nắng chừng vài ba ngày, rồi đưa lên trên giàn bếp lửa nhà sàn (Carinh) tiếp tục phơi càng lâu càng tốt, quá trình sử dụng ít bị ảnh hưởng về âm thanh, khói bếp bám vào làm cho ống nứa có màu vàng - đen, cây đàn đẹp hơn.

 

Xem ra việc làm được cây đàn Vinh vut là không khó. Nhưng, để "thổi hồn" vào hai ống nứa phát ra những âm thanh, tiết tấu, giai điệu làm cho người nghe phải mê hồn là một việc không dễ. Cây đàn Vinh vut là loại đàn đánh vỗ bằng bàn tay, dành cho phụ nữ con gái. Có những người tập vỗ cả mấy ngày liền, làm đỏ hết cả bàn tay mà vẫn chưa kêu chứ chưa nói đến chuyện thành điệu, thành bài. Chị em nào có đôi bàn tay tròn trịa, khoẻ khoắn mà mềm mại, có lợi thế hơn khi tập vỗ đàn Vinh vut. Có năng khiếu về âm nhạc, với sự đam mê và quá trình tập luyện thì mới có thể có bài diễn tấu hấp dẫn người nghe.

 

Biểu diễn đánh (vỗ) Vinh vut là tư thế ngồi quỳ hai gối, gồm có ba người: Một người ngồi bịt - thả đầu bên kia (đầu ngọn, thế dọc. Gọi là: Dhât); một người ngồi giữ đầu bên này (đầu gốc, thế ngang. Gọi là: Rup); một người ngồi vỗ đầu bên này (đầu gốc. Gọi là: Hpoh). Hpoh Vinh vut gồm có 7 bài (điệu) cơ bản.

 

Trong 7 bài của đàn Vinh vut đều có giai điệu, tiết tấu, sắc thái riêng. Vì vậy, khi đánh một bài nào đó đòi hỏi cả người bịt - thả và người vỗ (Dhât và Hpoh) đều phải có những kỹ năng xử lý thật ăn ý với nhau thì mới có thể tạo nên một bài nhạc hoàn hảo, hấp dẫn người nghe. Có được như vậy, dĩ nhiên cả hai người đều phải biết đánh thành thạo cả 7 điệu, và ít nhất thì cũng qua quá trình tập luyện với nhau...

 

Thời xưa, mùa cấy đã xong (khoảng giữa tháng 12 âm lịch) các chị em phụ nữ thường tổ chức với nhau tập đánh Vinh vut để chuẩn bị "trổ tài" trong những ngày vui ăn Tết. Thật vui biết bao, mừng mùa xuân về - mừng năm mới đến, Plây trên Làng dưới rộn rã những tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Vinh vut, hát Talêu, Cachoi, đôi trai gái ngất ngây bên ché rượu cần... Làng - Plây muôn màu sắc hoa, muôn ngàn tiếng ca đến với mọi người, mọi nhà...

Nguồn: website Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT