Non nước Việt Nam

Bánh cúng Tết của người Thái, Nghệ An

Cập nhật: 30/12/2008 08:12:46
Số lần đọc: 2372
Thờ cúng tổ tiên được người Thái Trắng (Tây nam Nghệ An) rất xem trọng. Trong mâm cúng ngày tết dù nhà khá giả hay bần hàn cũng không thể thiếu gà và một cái thủ lợn, bánh cũng là đồ cúng quan trọng. Trong đó một số loại bánh gắn với tín ngưỡng có hình thức khá lạ mắt.

1. Bánh gậy

 

Nguyên liệu gồm gạo nếp thật dẻo và lá dong xanh hoặc lá chuối. Bánh hình trụ dài nên có tên gọi như vậy. Bánh gậy được luộc chung với bánh chưng vào hôm ba mươi tết, sau đó buộc kèm với cây mía thờ với ý nghĩa để ông bà về ăn tết có gậy chống đi chơi xuân và thăm thú bạn bè. Bánh chỉ được dỡ xuống vào ngày 7 thánh giêng âm lịch, ngày khai hạ. Tuy nhiên với một số tộc họ mãi đến 23 tháng giêng âm lịch thì mâm cúng mới được hạ xuống. Điều đó được quy định ở tín ngưỡng của những dòng họ riêng này.

 

Tuy hình thức chiếc bánh gậy có vẻ đơn giản giống hình chiếc gậy nhưng nó cũng đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và kiên trì tập nhiều mới có thể gói được những chiếc bánh hình thức bắt mắt. Bạn mà “tham lam” cho nhiều gạo quá bánh sẽ rất khó luộc chín, còn nếu buộc lạt không đều tay bạn chỉ có thể cho “ra lò” những khúc gậy thô kệch chứ khó có được chiếc bánh gậy như ý muốn.

 

2. Bánh sừng trâu

 

Đây cũng là loại bánh cúng khá quan trọng của người Thái Trắng, nó cũng được nấu chung với nồi bánh chưng ngày tết. Chiều Ba mươi bánh được đặt lên bàn thờ tổ tiên, đặt vào chỗ trang trọng nhất. Bánh sừng trâu chỉ được đưa khỏi bàn thờ vào buổi tối ngày khai hạ.

 

Bánh sừng trâu còn là một món quà biếu khá được yêu thích vào dịp năm mới. Nó thường gắn liền với lời chúc năm mới ấm no, phát đạt, “tiền của theo nước nguồn về, thóc gạo theo nước khe về” như câu dân ca mà đồng bào Thái vẫn hát. Ngoài ra loại bánh này còn để làm quà cho người ốm. Người nhận quà sẽ hiểu ẩn ý sâu xa, chân thành của người biếu quà. “Hãy chóng khoẻ lại nhé”. Một lời động viên thật ý nghĩa đối với người đang ốm.

 

Tên gọi bánh sừng trâu cũng từ hình dáng thẳng thớm, nhọn một đầu như chiếc sừng trâu tơ. Cách làm khá đơn giản. Bạn chỉ cần cuộn chiếc lá dong thành hình chiếc phễu dài rồi bỏ vào phễu một lượng gạo vừa phải, cho ít đỗ, thịt làm nhân. Cuối cùng bạn gấp nếp miệng phễu sao cho kín, vuông vắn và dùng lạt mềm buộc lại. Vậy là có một chiếc bánh sừng trâu đẹp mắt.

 

3. Bánh mật mía

 

Về hình thức loại bánh này không có gì đặc biệt lắm. Nó giống chiếc bánh dày của người Kinh. Loại bánh này được nhào từ bột nếp trộn lẫn bột gạo tẻ (tránh cho bánh không quá dẻo), và mật mía tạo vị ngọt. Bánh mật mía dùng cúng vào ngày khai hạ để xin phép ông bà hạ cây mía thờ xuống. Mâm bánh mật mía ngày khai hạ cũng là mâm cúng sau cùng trong mỗi dịp tết nguyên đán của người Thái Trắng miền tây nam Nghệ An.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT