Non nước Việt Nam

Tục treo tranh Tết Đông Hồ

Cập nhật: 02/01/2009 13:01:00
Số lần đọc: 2018
Cách đây chưa lâu, tranh Đông Hồ còn chiếm một góc chợ quê những phiên áp Tết. Trên bến Hồ có hàng dãy thuyền cắm sào chờ ăn tranh. Người ta treo tranh Hồ không cần khung đẹp, không cần tường trát phẳng, bởi thời đó còn phổ biến nhà tranh vách đất, phên liếp, cửa mành. Đơn giản gài tranh vào liếp hoặc lấy que tre thay đinh để ghim tranh lên vách trát bằng bùn trộn rơm. Nhưng nhà nào cũng có tranh, bất kể giàu nghèo thế nào.

Nhà thơ Tố Hữu có câu thơ nhớ mãi:  Ta còn nghèo phố chật nhà gianh/ Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết (Bài ca xuân 61). Như vậy treo tranh Tết đâu phải chỉ làm sáng nhà, mà việc đó hẳn phải có nguyên do văn hoá tâm linh nào đó chứ?

 

Trở lại làng nghề Đông Hồ vốn đâu chỉ làm nghề tranh điệp. Làng làm nghề hàng hoá phục vụ nhu cầu tâm linh là chính, mà tranh thờ chỉ là một nhánh của làng nghề mà thôi. Nghề này có thể có từ thời Cao Biền chiêu dân lập ấp nên các làng thuộc xã Song Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh ngày nay). Hàng mã cũng phục vụ cho ngày Tết. Người ta sắm hàng mã cho ông bà ông vải, bày gọn một góc bàn thờ, chờ hết Tết thì hoá vàng cho các cụ. Sau ngày hoá vàng là hết Tết, mọi người bắt đầu ra đồng làm ăn bình thường. Ngày cúng tất niên người ta cũng đốt một ít vàng mã để các cụ có quần áo mới, có tiền giắt lưng đi chơi xuân. Quan niệm dương sao âm vậy mà. Ngày Tết nhà nào cũng lo trừ tà ma quỷ quái để mọi điều hên may đến, bước sang năm mới có nhiều lộc mới. Mà để trừ tà ma thì dân ta có nhiều cách lắm. Trồng cây nêu. Đốt pháo, dán bùa và treo tranh. Đó là tranh Chung Quỳ, nhân vật có tài trừ ma bắt quỷ thời Đường. Ngày Tết hay ngày tiết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 người ta treo tranh này thì ma quỷ không dám đến. Người ta cũng treo cả tranh hai vị thần là Thân Thư và Uất Luật vẽ trên hai miếng gỗ đào ở hai bên cửa ra vào nữa.

 

Tranh Đông Hồ có đến mấy bức tranh vẽ trâu, như tranh cưỡi trâu che lá sen, cưỡi trâu thổi sáo. Trâu tuy thuộc 12 con giáp, lại rất thân thuộc với người nông dân, vì con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhưng treo tranh trâu ngày Tết đâu phải vì bộ 12 con giáp, bởi tranh Hồ không có tranh rắn, thỏ (dê), hổ, ngựa ... Tranh trâu có ý nghĩa văn hoá tâm linh khác kia. Ngày xưa người ta có tục cưỡi lên mình trâu đánh cho trâu chạy lồng lên. Làm thế là để xua đuổi khí âm lạnh lẽo để đón khí dương ấm áp của mùa xuân về. Theo Kinh Dịch, tháng Giêng là quẻ Thái, gồm ba hào âm ở trên, ba hào dương ở dưới. Âm dương cân bằng, mà khí dương thì bốc lên, khí âm thì chìm xuống, hai thứ khí cân bằng ấy giao hoà là điềm tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở phát triển. Trâu là biểu tượng của đất, thuộc âm. Các tháng một, chạp âm thịnh, dương chỉ mới chớm nảy nở, tiết trời lạnh lẽo u ám. Đến tháng giêng âm dương mới cân bằng, tuy nhiên tiết trời còn lạnh lắm, người ta đánh cho trâu chạy là có ý xua đuổi khí âm đi cho khí dương về là thế. Người nghệ nhân dân gian Đông Hồ khi vẽ tranh trâu đã có sự sáng tạo đưa thêm những thứ khác vào tranh làm cho tranh sống động hơn ,gần gũi hơn với người ta, và trong đó có cả cái ý yêu quý con trâu là đầu cơ nghiệp nữa. Trong sách Lễ kí, thiên Nguyệt lệnh có câu: Xuất thổ ngưu dĩ tống hàn khí là ghi lại việc này và trở thành mẫu mực cho các tập tục đón xuân của những vùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong đó có nước ta.

 

Bên cạnh tranh trâu là tranh gà. Gà thuộc dương. Trâu đuổi khí âm đi thì gà lại gọi khí dương đến. Bộ tranh gà Đông Hồ có đến sáu bảy mẫu. Ngoài những con gà trống uy dũng gọi mặt trời lên còn có cả tranh gà mái mẹ con đông đúc. Đó là cái ấm cúng về mặt gia đình, xã hội, bổ sung cho cái ấm cúng của thiên nhiên là khí dương của mùa xuân.

 

Với ý nghĩa văn hoá tâm linh như vậy nên Tết đến xuân về nhà nào cũng sắm tranh treo là vì thế. Nghệ nhân Đông Hồ còn sáng tạo ra nền điệp để tranh có độ xốp và ấm hơn về màu sắc. Dòng tranh thờ nền điệp trở nên độc đáo riêng, khác hẳn dòng tranh thờ có nguồn gốc từ Trung Quốc khác. Điều này đã được nhà thơ Hoàng Cầm khi viết về quê hương có câu thơ khái quát cao: Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Bên kia sông Đuống).

 

Ngày nay cái ý nghĩa văn hoá tâm linh của việc treo tranh Đông Hồ ngày Tết đã bị mai một, ít người hiểu được điều đó, người ta vẫn treo tranh, treo cả ảnh, nhưng thuộc đủ các đề tài, và mục đích chính chỉ là làm sáng nhà, thay đổi cảnh bên trong căn nhà mà thôi. Cảnh góc chợ quê tấp nập chọn tranh Tết không còn, cảnh hàng dãy thuyền chờ ăn tranh không còn, và nhánh tranh làng nghề Đông Hồ chỉ còn hai gia đình làm, nhưng không dành để bán ngày Tết nữa. Trong đó gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã phát triển tranh Đông Hồ lên tầm cao mới, tranh nhiều mẫu mã, nhiều kiểu dáng đáp ứng được với cơ chế thị trường, do đó dòng tranh điệp này vẫn còn được bảo tồn trong thời hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT