Làm gì để Đà Nẵng và Miền Trung thật sự là điểm đến hấp dẫn du khách Thái Lan
Những con số này cho ta thấy được rằng khách Thái Lan chính là thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung đang có ưu thế để cùng nhau bắt tay xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá tiếp thị phù hợp.
Nhận thấy lợi thế của thị trường này đối với sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đồng thời đẩy mạnh việc liên kết theo như thoả thuận giữa các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ngày 21/11/2008 tại Khách sạn Green Plaza, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tp. Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Khai thác thị trường khách du lịch Thái Lan”. Tham dự Hội thảo có UBND Thành phố; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan, các hãng vận chuyển...của thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị; Hãng hàng không Pb Air cùng các công ty lữ hành lớn của Thái Lan chuyên đưa khách Thái đến miền Trung...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tp. Đà Nẵng nêu rõ: “Trong thời gian qua ngành du lịch thành phố cùng với các tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong đó chú trọng đến các thị trường trọng điểm. Một trong những thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng và các địa phương đang có lợi thế đó là thị trường khách du lịch Thái Lan đi theo đường bay trực tiếp Đà Nẵng-Bangkok và đường bộ theo tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tổ chức Roadshow tại Bangkok, Khonkaen, tổ chức và đón các đoàn tour Caravan, Famtrip Thái Lan, các hãng truyền hình của Thái Lan, tổ chức các chương trình du lịch “con đường di sản miền Trung”, đường “Trường sơn huyền thoại”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, sự kiện “Năm du lịch Quảng Nam-Hành trình di sản”, “Festival Huế”, “Con đường xuyên Á”, “Liên hoan Du lịch Đà Nẵng Biển gọi” và đặc biệt là tổ chức cuộc thi “Bắn pháo hoa Quốc tế tại Đà Nẵng năm 2008” tiếp tục là những cơ sở tốt để thu hút lượng lớn du khách Thái Lan đến với Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung”.
Miền Trung được coi là mảnh đất có sức hấp dẫn rất lớn: nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; có sân bay, cảng biển; có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, có nhiều di sản thế giới được tổ chức UNESCO công nhận chính là tâm điểm của những tour du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử, đặc biệt đây là khu vực khách Thái Lan không thể bỏ qua trong chuyến tham quan của mình. Nắm giữ nhiều lợi thế như vậy, tuy nhiên trong thời gian qua miền Trung vẫn chưa thật sự khai thác một cách tốt nhất thị trường khách du lịch Thái Lan, và đến đây chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng sự liên kết các hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch miền Trung giữa các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa có sự phối hợp một cách hiệu quả giữa các Công ty lữ hành với nhau, giữa Công ty lữ hành với các hãng hàng không, với các cơ quan xúc tiến du lịch và với các đơn vị cung ứng dịch vụ. Mặt khác do điều kiện về kinh phí, chưa có sự liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh miền Trung với các công ty lữ hành Thái Lan nên du lịch miền Trung mới chỉ khai thác khách quanh vùng Đông Bắc chưa mở rộng ra Băngkok, các vùng miền khác của Thái Lan và đặc biệt là khách du lịch từ các nước thứ 3.
Trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung cũng đã tập trung đầu tư rất lớn phục vụ cho ngành du lịch, chất lượng dịch vụ được đẩy mạnh và hầu như đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch tuy nhiên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là về đêm; đội ngũ hướng dẫn viên vừa yếu, vừa thiếu và rất chắp vá, các điểm đổi ngoại tệ tại một số điểm tham quan chưa được đầu tư; việc xây dựng các trạm dừng chân cũng chưa đúng mức...
Với những hạn chế như trên, rõ ràng du lịch miền Trung đang đứng trước thách thức không nhỏ, để đón bắt cơ hội và tổ chức phục vụ đối tượng khách Thái với số lượng lớn này đòi hỏi ngành du lịch của các địa phương ngay từ bây giờ phải phát triển đồng loạt nhiều giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thành một chiến dịch thu hút khách Thái Lan nhằm tạo ra một phong trào đi du lịch các tỉnh miền Trung; cùng nhau nổ lực liên kết vùng, khai thác giá trị các điểm tham quan phát triển mạnh mẽ du lịch tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; hợp tác cùng phía các đồng nghiệp Thái Lan trao đổi nguồn khách, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin để xây dựng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh hợp tác cùng với Hãng hàng không Pb Air và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa tuyến đường bay từ Thái Lan đi Đà Nẵng. Và để thật sự níu chân du khách, tạo thu nhập cho ngành du lịch, ngay bây giờ các tỉnh miền Trung cần có cơ chế ưu đãi đầu tư lĩnh vực vui chơi giải trí phục vụ du lịch để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư, mở ra cơ chế cho phép các doanh nghiệp tham gia quản lý và khai thác kinh doanh các loại hình dịch vụ tại các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý, ưu tiên xây dựng sớm các khu vui chơi, giải trí, xây dựng các trạm dừng chân phục vụ du khách đường bộ; tăng cường chất lượng dịch vụ đi đôi với đào tạo đội ngũ nhân viên có chất lượng tốt. Những giải pháp này sẽ là nhân tố đảm bảo thành công cho du lịch miền Trung khởi sắc.
Hy vọng rằng với sự hợp tác, phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả giữa các đơn vị kinh doanh du lịch miền Trung, Thái Lan và với hãng Hàng không PB Air sẽ là bước đệm đưa miền Trung trở thành khu vực không thể bỏ qua đối với tất cả các du khách trong và ngoài nước./.