Đến xứ Đoài xã Bình Yên (Hà Nội) chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật bằng đá ong
Đôi tượng voi phục được chế tác bằng đá ong ở Đình Thái Bình như tôn lên vẻ uy nghiêm
Khi đặt chân tới huyện Thạch Thất, hỏi thăm đường thăm đường về xã Bình Yên, người chỉ đường cho chúng tôi bảo: “Các anh chị cứ đi thẳng đến khi nào thấy trên đường xếp nhiều đá ong ven đường là đến xã Bình Yên, ở đây giờ nhiều hộ làm nghề chế tác đá ong lắm.”
Và quả thật, khi chỉ mới bắt vào đầu xã rồi chạy dọc đường đến cuối xã, chúng tôi thấy rất nhiều biển đề tên cơ sở chế tác đá ong, những tảng đá ong nằm ngổn ngang ven đường cùng các sản phẩm mới với muôn hình vạn vẻ được tạc lên từ vật liệu này.
Đến với xã Bình Yên chúng ta dễ dàng bắt gặp những hàng rào được xây dựng bằng đá ong
Đá ong có cấu tạo mềm, xốp, lỗ chỗ như tổ ong nằm dưới đất và được coi là một nguồn nhiên liệu độc đáo của người dân xã Bình Yên
Tò mò về những con vật được điêu khắc tinh xảo với kích thước lớn được đặt ven đường, chúng tôi chọn cơ sở khai thác và chế tác đá ong Dũng Đá để hỏi thăm về việc sản xuất và chế tác đá ong của người dân Thạch Thất.
Với sự mến khách của người dân xứ Đoài, anh Tăng Hữu Dũng- chủ cơ sở sản xuất cho chúng tôi biết, ngày trước hầu hết người dân ở đây chủ yếu chỉ làm công việc đào đá cho hợp tác xã, nhưng khi hợp tác xã giải thể nhiều người vì thích nên làm thử một vài con vật bằng đá ong. Rồi thấy khách hỏi mua thì tiếp tục làm, cứ thế cho đến giờ đã nhiều hộ tận dụng nguồn đá sẵn có của địa phương và thành lập cơ sở sản xuất chế tác đa dạng về chủng loại sản phẩm.
Đá ong vốn là thứ đá mềm, xốp, lỗ chỗ như tổ ong. Do có thành phần cấu tạo chủ yếu là oxid sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất chúng khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí thì càng để lâu càng cứng.
Hiện tại, các hộ sản xuất chế tác vẫn làm tất cả bằng thủ công chứ không sử dụng đến máy móc để có thể lưu giữ lại cái “hồn” của đá và sản phẩm tạo ra sẽ mang tính độc đáo cũng như đảm bảo tuổi thọ được sử dụng trong thời gian dài.
Những phiến đá ong sau khi được đào lên sẽ được người thợ chế tác thành những viên gạch xây nhà, các loài vật, chậu cây
Công việc khai thác đá ong sử dụng một số công nhân có sức khỏe với tiền trả công 40.000 đồng/viên đá, sau đó khi mang về sẽ được mài dũa phẳng phiu. Tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách sử dụng hoặc theo ý tưởng của người thợ sẽ tiến hành chế tác những viên đá thành các tác phẩm nghệ thuật.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Bình Yên, trên địa bàn xã hiện có hơn 20 hộ sản xuất và chế tác đá ong. Khai thác chế tác đá ong là nghề tạo bước chuyển mình mạnh mẽ về phát triển kinh tế địa phương.
Trong các sản phẩm đá ong thì việc chế tác thành các con vật được xem là khó nhất. Ông Trần Văn Nghiêm là một trong những thợ chế tác lâu năm đá ong của xã Bình Yên được trả mức công 600.000/ngày cho biết, để làm được một con giống phải có sự tính toán về kết cấu cẩn thận.
Bên cạnh đó sự tự mỉ, khéo léo đến từng chi tiết cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên cái “hồn” của con vật. Tùy vào kích thước của con vật mà thời gian hoàn thành và giá cả khác nhau, con nhỏ có giá khoảng 5 triệu/đôi thì làm khoảng 2,3 ngày mới xong, còn con lớn có giá 40 triệu/đôi người thợ phải làm trong khoảng nửa tháng.
Hiện tại, bên cạnh việc chế tác những con vật nghệ thuật phục vụ trong các đình chùa miếu mạo, các chủ sản xuất và chế tác đá ong ở Thạch Thất còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng xây dựng nhà trong hơn 5 năm trở lại đây.
Sản phẩm con Lân được điêu khắc từ đá ong của người dân xã Bình Yên
Nói về kỹ thuật xây dựng nhà bằng đá ong, anh Trương Hồ Nông cho biết việc xây dựng đòi hỏi người thợ phải có sự tính toán bằng mắt kỹ lưỡng, sau đó phải có bản vẽ chi tiết bởi có những vòm cổng hoặc cửa sổ trong nhà phải được đẽo đúng góc độ, họa tiết tương đương với vị trí trong bản vẽ rồi mới ghép lại cho hoàn chỉnh.
Với giá thành dao động 1.500.000/m2, những tường nhà làm bằng đá ong tạo cảm giác ấm cúng, cách âm tốt và giá thành rẻ hơn nhiều so với xây bằng gạch./.