Non nước Việt Nam

Kon Tum: Khôi phục lễ hội Cha Kchah của người Giẻ Triêng

Cập nhật: 23/06/2017 15:16:11
Số lần đọc: 2025
Người Giẻ Triêng, xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một lễ hội rất độc đáo đó là lễ hội Cha Kchah (hay còn gọi là Lễ hội ăn than).

Lễ hội Cha Kchah tổ chức với mục đích tổng kết mùa màng, sau một năm thu hoạch để cộng đồng ăn mừng, tạ ơn thần linh phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, mùa màng bội thu... đồng thời là dịp cộng đồng làng chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.

Lễ hội thường được tổ chức trong khoảng thời gian 7 ngày, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 12 hàng năm. Sau bao năm bị lãng quên, vừa qua, được sự quan tâm của ngành văn hóa cùng các nghệ nhân làng Đắk Răng đã tổ chức phục dựng lại lễ hội Cha Kchah, một lễ hội truyền thống liên quan đến nông nghiệp đã tồn tại từ lâu đời, được cha ông truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trước khi tổ chức lễ hội, hội đồng làng họp xét chọn khoảng 7 thành viên trong làng đạt tiêu chuẩn quy định để lên rừng đốt than cho dân làng. Họ lựa những cây gỗ rừng chắc nhất để có than tốt. Khi đốt xong được bảo quản cẩn thận và mang về nhà chuẩn bị cho các lò rèn để rèn dụng cụ phát rẫy.

Các thành viên cõng những gùi than từ rừng về đến nhà rèn, chiêng, trống nổi lên. 07 thành viên lấy than hú ba tiếng, rồi đi xung quang 04 vòng, theo hướng từ trái sang phải rồi vào nhà rèn. Bên trong lò rèn, người thì xếp than, nhóm lửa, người thì chuẩn bị dao, rựa, rừu, người thì chuẩn bị nước của con cua với cây đót....

Trước khi đưa dụng cụ lao động sản xuất vào lửa, một thành viên lấy hỗn hợp nước cua được giã nhuyễn trộn với bẹ non của lá cây đót bôi lên lưỡi các công cụ sản xuất. Theo quan niệm của dân tộc Giẻ Triêng, các công cụ sản xuất mà được bôi hỗn hợp nước này thì sau khi rèn xong mới sắc bén, không bị cong vênh, sứt mẻ.

Khi việc rèn công cụ lao động sản xuất kết thúc, dân làng tiếp tục nghi thức cõng những người đi lấy than lên nhà rông và đặt ngồi tại một góc nhà. Sau đó dân làng tập trung lên nhà rông để làm nghi thức cho những người đi lấy than, rồi cùng nhau chung vui tiệc rượu. Kết thúc nghi lễ dân làng tiếp tục đánh chiêng, trống, uống rượu, múa xoang trong nhà./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT