Non nước Việt Nam

Say điệu múa Dậm thuông của dân tộc Tày

Cập nhật: 28/06/2017 15:01:09
Số lần đọc: 2075
Dậm thuông (múa then) đã được đồng bào lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay. Chuyện xưa kể lại rằng, xa xưa, từ thuở núi rừng còn hoang sơ, con người chưa biết làm ruộng, chưa biết nuôi lợn nuôi gà, các vị thần linh thường bay từ trên trời xuống cùng dân bản cuốc đất làm ruộng, dạy con người các nghi lễ ăn, ở.

Nếu ai đã từng đặt chân lên mảnh đất Thượng Bằng La – mảnh đất văn hóa, lịch sử anh hùng chắc hẳn không chỉ say lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng ẩn hiện sau màn sương mờ ảo, đó là những thung lũng xanh tươi của ngô, của lúa, đó là sự rộn ràng của chợ phiên xứ Thuợng với nhiều sản vật quý như măng rừng, cá suối, cua đá, lá thuốc..... mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày nơi đây và đặc biệt là được đắm chìm trong không gian âm nhạc của điệu múa Dậm thuông nhẹ nhàng, quyến rũ.

Dậm thuông (múa then) đã được đồng bào lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay. Chuyện xưa kể lại rằng, xa xưa, từ thuở núi rừng còn hoang sơ, con người chưa biết làm ruộng, chưa biết nuôi lợn nuôi gà, các vị thần linh thường bay từ trên trời xuống cùng dân bản cuốc đất làm ruộng, dạy con người các nghi lễ ăn, ở. Về sau thần linh bay về trời, không xuống nữa, từ đó cứ vào các dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi hoặc các dịp lễ hội, dân bản lại tổ chức nhảy gọi là Dậm thuông để mời các vị thần linh xuống cùng nhảy múa. Người dân nhảy múa như thể là hình thức mời thần linh chứng giám cho nghi lễ, vừa là để cảm tạ các vị thần linh và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, một mùa canh tác bội thu.

Với ý nghĩa đó Dậm thuông không chỉ là một điệu múa đơn thuần mà nó còn là một nghi lễ đầy bí ẩn, chứa đựng trong đó những hoang dã, kỳ diệu của núi rừng. Dậm thuông gồm có sáu điệu: Dậm Khăn lau (múa khăn); Dậm Mạy Tạu (múa gậy); Dậm Bjoóc (múa hoa); Dậm Hương (múa hương); Dậm Mác Rính (múa nhạc); Dậm Tó Káy (múa chọi gà). Mỗi điệu múa có một đạo cụ đi kèm khác nhau và có một ý nghĩa tâm linh riêng nhưng đều có hai bước chính là bước 3 và bước 7. Bước 3 diễn tả trạng thái nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng thanh thoát. Bước 7 sôi nổi, nồng nàn và say đắm.

Dậm thuông là màn múa có quy định nghiêm ngặt về đạo cụ, nhịp điệu và có các động tác bài bản, phức tạp. Song nó có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng đồng. Mỗi màn Dậm không hạn chế số lượng người tham gia, dù là ba đến năm hay trăm người đều được. Vẫn những động tác cần sự chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay chân nhịp nhàng, nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm, không phải ai mới bắt đầu cũng làm được. Nhưng sau đó Dậm thuông vẫn thu hút được tất cả mọi người cùng tham gia, những người lúc đầu chỉ đứng xem cũng say theo từng bước nhảy cho đến khi vòng tròn trở thành một khối thống nhất. Dậm thuông có sức lôi cuốn kỳ ảo tạo nên men say là bởi bản chất nó là một bài nhảy có kết cấu chặt chẽ, được thực hiện tuần tự như một câu chuyện kể. Tất cả các động tác dù đã được cách điệu hóa nhưng thực chất là mô phỏng các động tác trong lao động sản xuất hàng ngày của người dân nên họ dễ dàng hòa chung vào vòng Dậm. Dậm thuông trong ngày Hội cầu mùa đã thể hiện rõ nét tính cộng đồng, tình cảm gắn bó, bền chặt của các thế hệ người Tày ở Thượng Bằng La, vừa góp phần cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất. Từ đó Dậm thuông đã trở thành vũ điệu chung của cả cộng đồng./.

Nguồn: dulichtaybac.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT