Non nước Việt Nam

Giữ “hồn” văn hóa Tày ở Bản Liên (Bắc Hà)

Cập nhật: 17/07/2017 08:53:14
Số lần đọc: 1438
Trải qua bao đời nay, người Tày ở Bản Liền (Bắc Hà) vẫn giữ được những nét văn hóa riêng trong cuộc sống hằng ngày. Đó là nếp nhà sàn truyền thống, câu hát giao duyên, trang phục, phong tục tập quán… Tuy rất đỗi bình dị, nhưng tất cả đã trở thành bản sắc.


Phụ nữ Bản Liền may trang phục truyền thống.

Bản Liền từ lâu được biết đến là nơi lưu giữ được những nét nguyên sơ trong văn hóa của đồng bào Tày. Vùng đất này hấp dẫn lòng người với khung cảnh yên bình bên thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi cao. Đồng bào Tày ở đây sinh sống tập trung tại các thôn Đội 2, 3, 4 và 5. Theo thống kê, trên 300 hộ người Tày trên địa bàn xã hiện nay vẫn còn khoảng 250 hộ giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Ngày nay, những ngôi nhà sàn được người dân xây dựng cách tân để phù hợp với cuộc sống mới, nhưng cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống như khung làm bằng gỗ, mái lợp cọ…

Bên ngôi nhà sàn cổ kính được xây dựng cách đây gần 30 năm, ông Lâm A Giòn, 74 tuổi, ở thôn Đội 2 cho biết: “Ngày xưa, khi tổ tiên chúng tôi đến đây lập bản đã biết lên rừng lấy cây gỗ về dựng nhà sàn. Nhà nào đông con thì dựng nhà sàn 3 gian 2 chái, còn ít hơn thì dựng 2 gian, 2 chái hay 1 gian 2 chái. Giờ cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau cố gắng giữ gìn ngôi nhà sàn truyền thống mà các thế hệ trước để lại”. Theo ông Giòn, người Tày ở Bản Liền thường dựng nhà sàn tựa vào lưng đồi, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh lụt lội; hướng nhà thường chọn nhìn ra suối, vì suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Để chuẩn bị đủ vật liệu dựng một ngôi nhà sàn nếu nhanh cũng gần 1 năm, lâu hơn thì từ 3 - 5 năm. Các vật liệu làm nhà từ cột, ván, lạt, cọ… đều được người dân khai thác bằng thủ công trong rừng sâu, núi cao, nên rất kỳ công.

Bên cạnh ngôi nhà sàn truyền thống, trang phục cũng là một nét văn hóa độc đáo. Cụ Vàng A Hoàng, một cao niên ở thôn Đội 5 chia sẻ: “Đàn ông hay phụ nữ Tày Bản Liền, dù ở đâu cũng đều dễ nhận ra qua trang phục của họ”. Phụ nữ Tày Bản Liền ngày nay vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Trang phục của họ thường là chiếc áo dài đen bằng vải lụa, kết hợp với dây lưng đủ màu sắc từ đỏ, hồng, xanh… và khăn đội đầu. Tất cả đều được chính đôi tay tài hoa của người phụ nữ Tày trong gia đình may vá. Đàn ông ở Bản Liền bây giờ tuy ít sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng cứ vào dịp lễ, tết, cưới hỏi… họ đều mặc những bộ trang phục màu đen truyền thống, kết hợp với chiếc mũ đội đầu màu xanh lá cây đặc biệt không nơi nào có.

Ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền cho biết: Bản sắc văn hóa của người Tày Bản Liền từ trước đến nay cơ bản vẫn được lưu giữ, từ tập quán dựng nhà sàn, trang phục mặc hằng ngày đến tập quán sản xuất… Hằng năm, chính quyền địa phương đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, vào dịp đầu năm mới, xã tổ chức Lễ hội xuống đồng để người dân, nhất là thế hệ trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu văn hóa dân tộc mình, từ đó có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Tày đã và đang được người dân Bản Liền coi trọng và thực hiện hằng ngày, coi đây là tiền đề để địa phương phát triển các dịch vụ du lịch làng bản./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT