Định hướng thị trường Du lịch Việt Nam năm 2009
Bắt đầu từ tháng 6/2008, mức tăng trưởng của du lịch quốc tế đã có dấu hiệu suy giảm. Năm 2009, do khả năng kinh tế tiếp tục còn khó khăn nên mức tăng trưởng du lịch theo dự báo ban đầu của Tổ chức Du lịch Thế giới chỉ từ 0% đến 2%.
Châu Á – Thái Bình Dương là những vùng có suy giảm nhanh chóng nhất. Ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng đã tác động đến tất cả các nước: Trong Quý III, khách tới Trung Quốc giảm 9,3%, khách tới Hồng Kông giảm 2,2%, khách tới Nhật Bản giảm 2%, tới Singapore giảm 5,2%, tới Việt Nam giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, cũng theo tình hình du lịch chung của thế giới nên từ tháng 6/2008 tới nay, du lịch Việt Nam bắt đầu có hiện tượng giảm. Đáng lo ngại, khách từ nhiều thị trường trọng điểm tiếp tục giảm (Nhật Bản giảm 5,9%, Pháp giảm 1,6%, Hàn Quốc giảm 3,5%). Hàng loạt các thị trường không có đường bay thẳng như Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia… cũng giảm 3,2%.
Năm 2008 là năm có nhiều biến động bất lợi đối với hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn như APEX năm 2007 đón trên 80.000 khách Nhật, hay doanh nghiệp chuyên về thị trường Âu Mỹ như Exotissimo, Diethelm đều lâm vào tình trạng khó khăn trong năm 2008. Số lượng khách giảm trung bình từ 10-30% đối với từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Chính vì vậy làm cho hiệu quả kinh doanh của năm 2008 không cao, doanh thu tăng ít hoặc không tăng nhưng chi phí cao dẫn tới lợi nhuận giảm sút. Tuy nhiên, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2008 đạt khoảng 4,2 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 20 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch năm 2008 ước đạt 60.000 tỷ đồng.Nhìn chung, đây là một năm có nhiều biến động bất lợi cho ngành du lịch.
Theo thống kê của các doanh nghiệp lữ hành, tình trạng khách du lịch giảm tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguy cơ giảm khách trong năm 2009 đã thấy rõ khi lượng khách đặt trước cho năm 2009 giảm trung bình 20% so với năm 2008, nhiều thị trường khách nguy cơ booking lên tới 50%.
Trước tình hình khó khăn trên, Tổng cục Du lịch đang tích cực triển khai một số giải pháp triển khai trước mắt cũng như lâu dài nhằm tăng cường thu hút khách vào Việt Nam. Tổng cục cũng định hướng cho các doanh nghiệp như:
Về thị trường: các doanh nghiệp nên kiên trì giữ thị trường truyền thống của mình, cố gắng khai thác thị trường mới nhưng biết giữ gìn, bảo vệ thị trường truyền thống.
Về sản phẩm: Các doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch tích cực đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo. Tranh thủ thời gian đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ để có thể cạnh tranh về dịch vụ với các nước trong khu vực.
Về vấn đề giá cả dịch vụ: Để có được giá cả cạnh tranh thì các doanh nghiệp phải thắt chặt chi phí. Như vậy các doanh nghiệp lữ hành cần có được sự hợp tác đến từ các nhà cung cấp dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, mua sắm…nhất là sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương xuống địa phương.
Về xúc tiến du lịch: Trong xu thế cắt giảm chi phí, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí marketing, chi phí tham gia các hội chợ quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định là tích cực khai thác tốt các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến bán hàng bằng các kênh phân phối nhất định.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần họp bàn với nhau để thống nhất một số giải pháp chung nhằm thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả cao. Ngành cũng đang đề ra mục tiêu trong năm 2009 sẽ đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, 22 triệu lượt khách nội địa và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 65.000 tỷ đồng.