Bảo tồn và phát huy trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số
Từ trò chơi dân gian...
Trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có nhiều trò chơi dân gian khác nhau như ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, tu lu... Tuy mỗi trò chơi đều có ý nghĩa và cách chơi khác nhau nhưng tựu chung, các trò chơi đều có xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hàng ngày của đồng bào và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng.
Với trò ném còn, thu hút người chơi bởi những quả còn nhiều màu sắc được tung lên không trung qua bàn tay khỏe khoắn, khéo léo của các chàng trai, cô gái tìm cách lọt qua chiếc vòng trên ngọn cây nêu gây hồi hộp, hấp dẫn. Hay như trò tu lu, đây là một trò chơi dân gian đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào DTTS. Để chơi trước hết phải chuẩn bị con quay và dây quay. Con quay thường được đẽo, gọt bằng những loại gỗ cứng như gỗ nghiến, gỗ lim. Còn dây quay thường được se bằng sợi lanh, tùy người chơi có thể chơi dây quay không hoặc buộc vào một đoạn gậy dài độ nửa mét. Khi đánh quay độ khó tăng dần theo độ xa, đánh trúng quay của người khác mà con quay của mình vẫn xoay là thắng. Đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và kỹ thuật hết sức điêu luyện, bởi vậy khi chơi, khi xem ai cũng thích thú với những con quay, với từng đường đánh dứt khoát, chắc nịch và không ngừng thán phục, trầm trồ với những cú đánh hay, chính xác.
Nói đến những trò chơi trong các dịp lễ hội của đồng bào DTTS, không thể bỏ qua trò đẩy gậy. Đây là trò dễ chơi nhưng cần đến sức khỏe và sự khéo léo, dẻo dai của người chơi trong cuộc đấu tay đôi với đối thủ. Để tổ chức thi đấu môn đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre hay gỗ tốt có chiều dài 2m, được sơn 2 màu đỏ và trắng, khi chơi hay thi đấu người ta vẽ một vòng tròn có đường kính 5m có vạch giới hạn phân chia hai người chơi nằm trong phạm vi của sân. Theo quy định luật chơi, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra từ 2 đến 3 hiệp.
Thành môn thể thao thi đấu
Từ những trò chơi được đồng bào dân tộc sáng tạo để vui chơi, giải trí, dần dần trò đẩy gậy, ném còn, tu lu, bắn nỏ... đã trở thành một trong những môn thể thao độc đáo thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, để từ một trò chơi dân gian trở thành môn thể thao thi đấu, các trò chơi phải có những thay đổi nhất định. Nếu như trong văn hóa của đồng bào dân tộc môn ném còn không phân biệt thứ tự người ném, số lần ném mà đơn giản chỉ quan tâm khi nào sẽ ném còn qua được vòng tròn, thì trong thi đấu thể thao yếu tố này là bắt buộc. Hay với môn đẩy gậy. Nếu trong dịp lễ hội phần lớn người tham gia thường có sức khỏe tốt, tuy nhiên trong thi đấu điều kiện sức khỏe là một phần và quan trọng hơn cần phải có kỹ thuật và chiến lược chơi. Hiện nay, môn thể thao đẩy gậy đã được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng các cấp và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.
Ông Phạm Đông Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục Thể thao), cho biết: “Tổng cục Thể dục Thể thao đã ban hành Luật thi đấu đẩy gậy và được các địa phương hưởng ứng. Đẩy gậy phát triển trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và trong những dịp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thì nhiều địa phương đưa môn đẩy gậy vào trong chương trình thi đấu. Thời gian tới, chúng tôi khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc thiểu số đồng thời phổ biến trong cộng đồng”.
Ông Đào Ngọc Lượng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay các môn thể thao dân tộc được phát huy rất tốt trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Lượng do đặc thù là những môn thể thao chỉ được chơi ở các vùng đồng bào dân tộc nên rất khó trong việc đưa vào những sân chơi toàn quốc. Vì thế, để bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc về phía Tổng cục Thể dục Thể thao đã nổ lực để tổ chức những sân chơi dành riêng cho các vận động viên là con em dân tộc thiểu số như Đại hội Thể dục thể thao DTTS. Chỉ có thế các môn thể thao dân tộc mới có thể được đưa ra thi đấu./.