Nam Định tổ chức hội thảo xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù
Quang cảnh buổi hội thảo
Đến tham dự hội thảo có ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Khúc Mạnh Kiên - Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Đức Xuyên - Tổng biên tập Tạp chí Du lịch, cùng các đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, một số trường đại học đào tạo về du lịch, các cơ quan truyền thông, báo chí cùng các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Nam Định.
Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết trong thời gian qua Nam Định đã tập trung triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, định hướng phát triển các loại hình, các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Trong đó có nhiều sản phẩm du lịch được khai thác như: Lễ hội đền Trần với nghi lễ khai ấn, Lễ hội Phủ Dày, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, làng nghề cây cảnh Vị Khê, đúc đồng Tống Xá và văn hóa ẩm thực với phở bò Nam Định, kẹo lạc Sìu Châu, gạo tám Hải Hậu... Ông cũng cho biết từ năm 2000 đến nay lượng khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Nam Định duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,6%/năm và năm 2017 ước đạt gần 2,3 triệu lượt.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đang có xu hướng chững lại, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn và chưa được đầu tư phát triển trọng tâm. Việc xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù còn hạn chế, chưa tạo được liên kết các sản phẩm du lịch trong tỉnh cũng như các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Thông qua hội thảo ông Trần Lê Đoài mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về các định hướng, giải pháp xây dựng quảng bá thương hiệu đặc thù cho Nam Định. Trên cơ sở đó giúp cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, có sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Đại biểu tham dự hội thảo trình bày tham luận
Tại hội thảo, gần 30 tham luận của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, tập trung vào những vấn đề Du lịch Nam Định đang “vướng”, như phát triển cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ra sao để ‘níu’ chân khách; định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch Nam Định; khai thác ẩm thực - tăng sức hấp dẫn của du lịch Nam Định; khắc phục tính mùa vụ của du lịch; vai trò của người dân và chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng; cũng như vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá du lịch Nam Định; tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá du lịch Nam Định…
Phát biểu tại hội thảo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng Nam Định có nhiều tài nguyên thiên nhiên như: biển Quất Lâm, Vườn quốc gia Xuân Thủy có khu rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar… Tuy nhiên, các điểm này chưa thật sự đủ mạnh để phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của Nam Định. Ông Vũ Thế Bình cũng đưa ra những gợi ý cho tỉnh Nam Định nên tập trung vào phát triển du lịch văn hóa tâm linh và chọn điểm nhấn là tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ. Hoạt động chính của tín ngưỡng thờ Mẫu là các nghi lễ hầu đồng và những lễ hội dân gian tại Phủ Dày. Do đó, tỉnh nên xây dựng đề án, tập trung đầu tư Phủ Dày thành quần thể trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu lớn nhất trong cả nước. Từ đó, tỉnh Nam Định liên kết với các doanh nghiệp du lịch xây dựng dự án để đưa du lịch văn hóa tâm linh thờ mẫu tại Phủ Dày trở thành sản phẩm đặc thù của Nam Định thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Khúc Mạnh Kiên - Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cảm ơn và đánh giá cao các bài tham luận của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp cũng như các ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo. Các đại biểu đã chân thành và thẳng thắn đưa ra những điểm còn tồn tại trong các sản phẩm du lịch của tỉnh Nam Định. Ông cũng khẳng định tỉnh Nam Định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, gợi ý định hướng của đại biểu tham dự hội thảo. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới tỉnh Nam Định sẽ xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu du lịch. Đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng để xây dựng nên sản phẩm du lịch đặc thù của Nam Định, từ đó thu hút được nhiều khách du lịch đến với Nam Định.
Trước đó, ngày 18/12 UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức cho các đại biểu đi khảo sát các điểm du lịch tại: Đền Trần, Phủ Dày, Bảo tàng Đồng quê, bãi biển Quất Lâm.
Đoàn khảo sát tại Đền Trần
Đoàn khảo sát tại Bảo tàng đồng quê
Tin, ảnh: Hồng Thủy