Vài nét về ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Bình Liêu
Một ngôi nhà truyền thống của người Tày ở thôn Pắc Liềng, xã Tình Húc (Bình Liêu). Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)
Thứ nhất là chọn hướng nhà…
Không giống như các dân tộc thiểu số khác, người Tày sinh sống thành một cộng đồng quần tụ, gần gũi. Bản làng của người Tày khá quy mô, thường được sắp xếp theo một hệ thống nhất định bên sườn đồi và ở nơi gần nguồn nước. Nhà cổ truyền thống của người Tày trước đây thường là nhà sàn. Ngôi nhà sàn không chỉ là nơi cư ngụ truyền đời của gia đình, dòng họ mà còn là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, nơi thờ cúng tổ tiên và là nơi gắn kết cuộc đời giữa các thế hệ với nhau. Đây còn là cái nôi bảo tồn những nét văn hóa truyền thống như hát then, đàn tính...
Người Tày thường rất kỹ lưỡng trong việc chọn hướng làm nhà. Nhà sàn bao giờ cũng tựa lưng vào núi, hướng ra sông suối. Mỗi nhà sàn được cấu tạo khuôn viên riêng, trong khuôn viên có một nhà chính, nhà bếp, nhà kho, có sân phơi.
Không gian ngôi nhà được sắp xếp khá khoa học. Gian chính trên cùng đặt bàn thờ tổ tiên, 2 gian bên cạnh được đặt bếp lửa và phòng ngủ của các thành viên trong gia đình.
Hầu hết ngôi nhà của người Tày đều có ngõ và cổng. Tường nhà làm bằng gạch đất, mái lợp ngói âm dương rất ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Ngôi nhà truyền thống của người Tày có chiều cao sàn cách mặt đất khoảng 1m trở lên, vừa cao ráo, thoáng đãng, vừa là nơi cất trữ lương thực và đồng thời cũng là một mô hình khép kín có cả bếp bên trong vừa tiện lợi lại vừa ấm cúng.
Theo quan niệm của người Tày, gia đình đầm ấm là gia đình có nếp nhà sàn rộng rãi, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân. Nhà sàn truyền thống của người Tày thường có chiều cao khoảng 5 đến 7m. Nếu là nhà 3 gian thì phải có 4 vỉ cột, mỗi vỉ có 5 - 9 cột, cột được đẽo, xẻ từ các loại cây gỗ tốt. Chiều sâu nhà trung bình từ 5 đến 9 hàng cột, mỗi hàng cột cách nhau 2,5 - 3m. Phần dưới sàn là một hệ thống xà ngang được ken dày xỏ qua các lỗ đục của những hàng cột xung quanh, mỗi xà cách nhau khoảng 20cm, tạo thành một thể liên kết vững trãi. Bên ngoài vách ngăn của ngôi nhà tạo một hành lang chạy dọc theo sàn nhà.
Mỗi ngôi nhà sàn cổ ở đây thường có tuổi đời từ 60 đến trên 70 năm. Hầu hết đều làm bằng gỗ trong rừng, được mang về ngâm trong ao 1 - 3 năm sau đó phơi khô rồi mới làm cột nhà. Chính vì lẽ đó, dù trải qua bao năm tháng, những cây cột vẫn vững chãi.
Cầu thang lên nhà sàn thường có 5 đến 9 bậc, được làm bằng gỗ chắc, bào nhẵn. Theo quan niệm của người Tày, mỗi bậc cầu thang tượng trưng cho 1 vía của người phụ nữ. Khi đón khách quý đến nhà, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời khách, khi khách đi cầu thang chủ nhà phải đi sau để bảo vệ và hướng dẫn. Khu vực gầm sàn trước kia thường được tận dụng để nuôi gà vịt, trâu, bò, trên sàn để tiếp khách và ngủ nghỉ, nay thì đã được di dời ra xa, có chuồng trại riêng.
Chú trọng bảo tồn vốn cổ
Cuộc sống của bà con các dân tộc Tày Bình Liêu nay đã khác xưa nhiều. Những nếp nhà sàn truyền thống được thay bằng những ngôi nhà cấp 4, nhà mái bằng kiên cố. Nhà sàn truyền thống ngày càng ít, chỉ còn rải rác có ở một số xã: Vô Ngại, Lục Hồn, Hoành Mô.
Xuất phát từ thực tế đó, huyện Bình Liêu đang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có việc bảo tồn các nhà truyền thống của người Tày, thông qua việc phục dựng bản văn hóa người Tày ở thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô thành những khu du lịch sinh thái vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Những ngôi nhà sàn cổ giữa miền sơn cước không chỉ tượng trưng cho đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo đỉnh cao của con người, mà ở đó còn là cả một kho tàng tri thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên, được người Tày đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trong nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, những mái nhà cổ thấp thoáng rêu phong sẽ là nơi để mọi người tìm về với những nét đẹp vốn có bao đời nay của bao thế hệ người Tày. Đó là một tài sản văn hoá vô giá cần được gìn giữ, bảo tồn./.