Hoạt động của ngành

Thêm “giá trị mới” cho du lịch Hội An

Cập nhật: 17/01/2018 08:47:55
Số lần đọc: 585
Hội An - thành phố di sản trầm mặc, cổ kính sắp có một chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh đầu tiên, được đầu tư quy mô lớn nhất từ trước tới nay, dựa trên những nghiên cứu công phu về lịch sử, văn hoá vùng đất này. 


Thả đèn hoa đăng vào đêm rằm là một trải nghiệm tuyệt vời ở Hội An

Hội An - “bản phù điêu” lịch sử

Trải qua bao thế kỷ thăng trầm, phố Hội vẫn tĩnh tại nằm bên sông Hoài như một minh chứng bền bỉ của thời gian. Hình ảnh những mái ngói rêu phong, những mảng tường vàng điểm xuyến hoa giấy đỏ luôn đầy sức quyến rũ với du khách. 

Sự cổ kính và lưu giữ gần như trọn vẹn dấu ấn lịch sử, kiến trúc... qua năm tháng khiến Hội An trở thành vùng đất di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận. 

Thế nên, hàng năm, vùng đất này đón đến 22% lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, mặc dù diện tích phố Hội chỉ bằng 0,3% lãnh thổ. Theo bình chọn của trang du lịch uy tín Trip Advisor, Hội An xếp hạng 13/55 điểm đến tốt nhất trên thế giới; hay tờ tin tức hàng đầu của Mỹ Buzzfeed đã xếp Hội An ở vị trí 4/23 địa danh nhất định phải đến trong đời. 

Xu hướng du lịch ngày nay tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, du khách không chỉ thích đặt chân đến một vùng đất mới để vui chơi, thăm thú, mà còn muốn được trải nghiệm văn hoá, lịch sử, con người bản địa. 

Quay lại câu chuyện Hội An, có thể thấy du khách mới chỉ biết Hội An là nơi an yên để nhấp ngụm trà, thưởng thức bát mỳ quảng, cao lầu, ngắm muôn sắc đèn lồng đung đưa… mà ít biết phố Hội xưa kia vốn là một thương cảng sầm uất, là vùng đất đã chứng kiến sự giao thương nhộn nhịp giữa các nền văn hóa và lưu dấu những câu chuyện tình vượt biên giới quốc gia.

Đây là những con số đáng mơ ước đối với bất kỳ địa danh du lịch nào. Tuy nhiên có một thực tế, dù du khách yêu mến vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính rất độc đáo của Hội An, nhưng những cánh cửa đóng về lịch sử - văn hóa đầy giá trị của vùng đất này chưa được nhiều người biết đến. 

Phố cổ Hội An hiện tại vẫn chỉ là một nơi để du khách đến dạo phố, chụp hình, thưởng thức các món ăn đặc sản, “check in”,… rồi lại nhanh chóng rời đi. Vẫn còn thiếu những vẻ đẹp ở tầng sâu văn hoá đủ sức lưu giữ du khách bốn phương ở lại dài ngày để khám phá và cảm nhận. 

Dòng chảy văn hóa - lịch sử trong “Ký ức Hội An”

Trong một tâm thế như vậy, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” đã ra đời với tâm huyết tái hiện hình ảnh thương cảng Hội An phồn thịnh của thế kỷ 16-17, bổ sung một “đặc sản tinh thần” quan trọng, xứng tầm với tiềm năng phát triển của du lịch Hội An. 

Dù còn khá mới lạ tại Việt Nam, chương trình biểu diễn thực cảnh đã được nhiều nước phát triển thành công trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Có một thời, vẻ đẹp non nước hữu tình hiếm thấy của vùng Quảng Tây (Trung Quốc) đã chạm tới trái tim của hàng triệu du khách khắp thế giới nhờ chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ”, được dàn dựng dưới bàn tay của đạo diễn Mai Soái Nguyên và Trương Nghệ Mưu với sân khấu chính là những dãy núi và dòng Quế Lâm hùng vĩ. Cũng nhờ đó, hằng trăm người dân địa phương đã được “kể” những câu chuyện lịch sử, những phong tục, tập quán khác lạ của quê hương họ với tình yêu và niềm tự hào. 

Kể từ đó, những chương trình thực cảnh đã lan rộng khắp thế giới: Singapore, Malaysia, Hong Kong, cho tới nước Ý xa xôi… Sức hấp dẫn của nghệ thuật biểu diễn thực cảnh được lý giải bởi quy mô và sự đầu tư lớn, sử dụng cảnh quan thực tế làm sân khấu. 

Quan trọng nhất, chính là việc tái hiện sống động và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch của các địa danh. Một chương trình thực cảnh cũng chính là một món “đặc sản tinh thần” khiến du khách khát khao nếm thử khi đặt chân đến vùng đất mới. 

Với câu chuyện của “Ký ức Hội An”, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một Hội An chuyển mình không ngừng từ thời mở nước, cho đến thời vương quốc Chămpa, thời phong kiến và một Hội An - nút giao thoa cổ kim ở thời điểm hiện tại. Để làm được điều đó một cách nhân bản, sáng tạo, những người thực hiện chương trình đã chọn nhân vật dẫn truyện xuyên suốt hơn 60 phút là cô gái dệt vải với tình yêu tuyệt đẹp dành cho chàng thuỷ thủ tàu viễn dương.

Có thể nói, tiếp cận du lịch từ góc độ văn hoá là một xu thế không thể chối bỏ, khi du khách ngày nay có xu hướng mong muốn trải nghiệm giá trị văn hoá của một vùng đất mới thông qua nhãn quan và cảm nhận của chính mình. Với “Ký ức Hội An”, du khách sẽ có thêm một “đặc sản tinh thần” được xếp vào hàng “mỹ vị cao lương” để chiêm ngưỡng và thấu cảm sâu sắc vùng đất này./.

Nguồn: vietnamnet

Cùng chuyên mục