Hành trang lữ khách

Tết này có gì lạ tại khu Di sản Huế: Lễ Thướng Tiêu & Hương xưa bánh tết

Cập nhật: 06/02/2018 09:54:23
Số lần đọc: 934
Thướng Tiêu (Dựng nêu) là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đich để báo hiệu ngày Tết đã tới.


Ở Cô đô Huế hiện nay, lễ Dựng nêu tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp tại Thế Miếu (từ 9h sáng) và điện Long An (từ 10h sáng) do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013 và đã trở thành một truyền thống không thể thiếu ở khu di sản Huế khi bắt đầu một cái Tết cổ truyền. Đặc biệt, năm nay, sau nghi thức dựng nêu tại điện Long An, từ 10h30, tại khu vực nhà Tế Tửu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình “Hương xưa bánh Tết”, có ý nghĩa là một khởi động đầu năm với những trải nghiệm về hương sắc Tết cũ qua những sắc màu truyền thống.

Chương trình “Hương xưa bánh Tết”bao gồm các âm điệu ca Huế; các trò chơi cung đình và dân gian (đổ xăm hường và bài vụ); trình diễn thư pháp tặng chữ, đặc biệt là hội thi gói bánh chưng, bánh tét... có sức gợi về cái Tết cổ truyền của dân tộc. Trong cổ sử Việt Nam, tương truyền, vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm người tài kế vị, đã cho vời các hoàng tử lại và truyền rằng sẽ truyền ngôi cho người nào cung tiến được món sản vật thể hiện lòng hiếu đạo để tiến cúng tiên vương. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng hai loại bánh chưng, bánh dày với biểu tượng trời tròn đất vuông được chế biến từ gạo nếp. Kể từ đó, bánh chưng đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét.

Trong không gian tràn ngập sắc xuân với các loại trang phục truyền thống, những đôi câu đối thắm, những sắc hoa xuân, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm qua những hình bóng của nếp xưa xứ Huế, nhất là không khí gói bánh chưng, bánh tét cũng những niêu bánh chưng nghi ngút, đượm nồng phong vị Tết trong âm hưởng của điệu chầu văn: À...à...ơi... Điềm lành vươn tới mây xanh/Hương xưa Tết cũ tụ miền Kinh đô / Cây nêu xanh dáng đợi chờ / Gió mây bầu bạn bây giờ thêm xuân / Sắc hương ngày Tết thêm gần / Đôi câu đối đỏ sáng dần mực xưa / Rộn ràng đợi phút giao thừa / Bánh chưng bánh tét cũng vừa ngát hương.

Các hoạt động trong Tết

ĐÓN XUÂN TẠI HOÀNG CUNG

Nhân Tết Nguyên đán Mậu tuất, theo quy định, từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết (16/2 – 18/2/2018), khu di sản Huế sẽ mở cửa miễn phí đối với người Việt Nam. Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui Tết tại Hoàng cung (Đại Nội) để phục vụ nhân dân với nhiều hoạt động phong phú. Cụ thể như :

- Ngày 16/02/2018 (Mồng 1 Tết):

+ Buổi sáng: Lễ Đổi gác tại Ngọ Môn (lúc 9h00); Múa Lân sư rồng tại sân trước điện Thái Hòa (lúc 9h30); Các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại Sân sau điện Thái Hòa (lúc 10h00); Trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu (lúc 10h30).

+ Buổi chiều: Chương trình nghệ thuật "Âm sắc cung đình" tại Sân Điện Thái Hòa (từ 15h30 đến 16h15).

- Ngày 17/02/2018 (Mồng 2 Tết):

+ Buổi sáng: Lễ Đổi gác tại Ngọ Môn (lúc 9h00); Chương trình nghệ thuật "Âm sắc cung đình" tại Sân Điện Thái Hòa (từ 9h30 đến 10h15).

+ Buổi chiều: Trình diễn Võ thuật cổ truyền tại Sân Điện Thái Hòa (lúc 14h30); Múa Lân sư rồng tại Sân điện Cần Chánh (lúc 15h00).

- Ngày 18/02/2018 (Mồng 3 Tết):

+ Buổi sáng: Lễ Đổi gác tại Ngọ Môn (lúc 9h00); Trình tấu tiểu nhạc tại sân trước điện Thái Hòa (lúc 9h30); Múa lân sư rồng tại Sân điện Cần Chánh (lúc 10h00); Trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu (lúc 10h30).

+ Buổi chiều: Trình diễn Võ thuật cổ truyền tại Sân trước điện Thái Hòa (lúc 14h00); - Sân trước điện Thái Hòa (15h30): Trình tấu tiểu nhạc tại sân trước điện Thái Hòa (lúc 14h30); Trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu (lúc 16h00).

- Ngày 22/02/2018 (Mồng 7 Tết):

Lễ Hạ Nêu tại Thế Miếu (lúc 9h00), tại điện Long An (10h00).


Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Cùng chuyên mục