Non nước Việt Nam

Độc đáo Hội thi dựng nêu ngày Tết tại Bình Định

Cập nhật: 09/02/2018 09:18:05
Số lần đọc: 1315
Hội thi dựng cây nêu ngày Tết huyện Tuy Phước lần thứ 1 - Tết Mậu Tuất 2018 diễn ra sáng 8/2 (nhằm 23 tháng Chạp Âm lịch), tại Chợ Gò (Bình Định), đã thu hút đông đảo của người dân địa phương hưởng ứng tham gia.


Tham gia Hội thi có 11 đội đại diện cho 11 xã, thị trấn trong huyện (trừ 2 xã Phước Hưng, Phước Nghĩa). Đông đảo người dân địa phương đã thích thú đến xem và cổ vũ cho hoạt động văn hóa mang đậm tính cổ truyền lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương.

Hội thi gồm 2 nội dung: trang trí nêu và dựng nêu. Tùy lựa chọn, mỗi đội trang trí lên thân cây nêu bằng một số vật dụng như cờ, hoa, câu liễn, bánh chưng, bánh tét, các loại hoa màu… và những đặc sản của Tuy Phước như nem - chả Chợ Huyện, Bánh Ít lá gai… Sau đó, tiến hành dựng nêu. Đến ngày mùng Bảy tháng Giêng (22/2), mỗi đội thực hiện nghi thức hạ nêu, sau đó, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả, trao giải đồng thời bế mạc Hội thi.
 
Ban tổ chức cũng cho biết, Hội thi được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo phong tục dân gian Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng chạp - ngày Táo quân lên chầu trời. Bởi, từ ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ,…. hay treo những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như lá phướn, chuông gió. Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu. Buổi tối, người ta treo thêm một chiếc đèn lồng để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.

Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ. Nhưng theo thời gian cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời. Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT