Tết Nguyên Đán – Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam
Hoa đào khoe sắc đón xuân sang (Nguồn ảnh: Internet)
Theo tín ngưỡng dân gian, từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… và họ cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Người Việt Nam có phong tục, mỗi khi năm hết, Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu vẫn cố gắng để về sum họp dưới mái ấm gia đình, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thân yêu, nơi cất tiếng khóc chào đời, nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng, rồi khôn lớn thành người. Cũng trong những ngày Tết, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội. Tết cũng là dịp tổng kết mọi hoạt động liên quan đến năm cũ, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cả cộng đồng.
Gói bánh chưng ngày tết (Nguồn ảnh: Internet)
Tuỳ theo mỗi vùng miền hoặc theo những quan niệm về tôn giáo của người Việt, các phong tục tập quán ở từng địa phương thường có đôi nét khác biệt. Nhưng xét về tổng thể, phong tục truyền thống của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, lễ nghi và hình thức thể hiện khác nhau, trong đó tiêu biểu là các hoạt động: tiễn ông Công, ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ tết, gói bánh chưng, thăm mộ tổ tiên, cúng giao thừa, hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi, đi lễ chùa đầu năm, xin chữ...
Tết Nguyên Đán là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Lam Phương