Bắc Giang: Khai hội xuân Tây Yên Tử và phát động Tết trồng cây
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu hoàn thành giai đoạn 1 (2014 - 2018) dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Kể từ năm nay, Bắc Giang chính thức lấy ngày 12 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội xuân Tây Yên Tử.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử; Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, TP, doanh nghiệp cùng đông đảo tăng ni, phật tử và hàng vạn du khách.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh gửi lời cảm ơn T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt Thượng tọa Thích Thanh Quyết thời gian qua không ngừng khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực quyết tâm xây dựng các công trình như hôm nay. Để khu du lịch ngày càng khang trang, đồng chí mong muốn các cấp ngành, tăng ni, phật tử, nhà hảo tâm, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tiếp tục quan tâm ủng hộ, đóng góp công đức xây dựng các công trình trong Khu du lịch. Tại đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Bùi Văn Hải tặng lẵng hoa chúc mừng Thượng tọa Thích Thanh Quyết.
Cũng trong sáng 27/2, sau khi các đại biểu cắt băng khánh thành giai đoạn 1 chùa Hạ, UBND huyện Sơn Động long trọng tổ chức lễ khai hội xuân Tây Yên Tử. Diễn văn khai hội do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Ngạn trình bày khẳng định: Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm ở phía Tây của núi Yên Tử, trải dài từ huyện Sơn Động qua Lục Ngạn, Lục Nam đến huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Đây là vùng địa linh, núi non hùng vĩ, cảnh quan đẹp. Từ xa xưa, nơi này đã được các vị vua thời Lý - Trần chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo; là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị di sản văn hóa quý báu, công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị trong khu vực đã bị mai một. Nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch bền vững, năm 2014, UBND tỉnh tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng các công trình, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Theo quy hoạch, khu du lịch là tổ hợp 4 điểm chùa (chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng), kết nối với chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ, giao thông, cáp treo đồng bộ.
Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử được tổ chức lần đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây được xem như điểm khởi đầu cho sự kết nối giữa Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), trở thành quần thể thống nhất, góp phần khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hóa chung để du khách có thể khởi hành từ Bắc Giang cũng tới được với chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh và Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã đánh trống, thỉnh chuông khai hội. Bên cạnh đó, tại Khu du lịch diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Màn trống hội, múa lân, lễ cầu quốc thái dân an, hội trại văn hóa, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian, trưng bày giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Giang, chương trình nghệ thuật trích đoạn cải lương “Vua Phật” phục vụ nhân dân của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Cùng ngày, tại Khu du lịch, UBND tỉnh phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Mậu Tuất 2018. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ôn lại quá trình thực hiện Tết trồng cây từ khi Bác Hồ phát động. Đồng thời khẳng định Tết trồng cây là nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân cả nước nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói riêng. Việc trồng cây, trồng rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia trồng cây (trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát đô thị), trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông, trong khuôn viên cơ quan, khu đất trống, đồi trọc... ; ngăn chặn tình trạng, chặt, đốt, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Đồng thời đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các ngành địa phương tổ chức phát động “tết trồng cây” phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phấn đấu trong năm 2018, trồng 6 nghìn ha cây tập trung và 7 triệu cây phân tán trên địa bàn.
Sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đã trồng gần 200 cây xanh bản địa có giá trị như dã hương, lộc vừng, đại hoa đỏ, đại hoa trắng... tại Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử./.