Độc đáo Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang
Người Pà Thẻn nhảy múa trên đống than đỏ rực mà không hề bị bỏng, bị thương. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Lễ hội tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật.
Lễ hội nhảy lửa được bắt đầu bằng việc thầy cúng của người Pà Thẻn làm lễ cầu khấn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, năm chén rượu... Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép “nhập ma.”
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa. Họ nhảy múa trên đống than hồng rực trong vòng 3-4 phút mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khán giả.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, sự ấm no hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống.
Hiện, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Tuyên Quang có 150 hộ với 686 nhân khẩu, sống tập trung chủ yếu ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Nhảy lửa là lễ hội tiêu biểu của người Pà Thẻn.
Tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn trong mỗi dịp Tết đến Xuân về./.