Đầu xuân xem hội Lồng Tồng ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh)
Cuốc hố tra hạt đầu xuân ở Lễ hội Đông Đình 2018.
Hội Lồng Tồng diễn ra trước cửa đình Đông Đình, đây là ngôi đình cổ, theo những người cao tuổi ở xã Phong Dụ thì ngôi đình này có từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ 19, do quan khâm sai đại thần có tên là Lê Bắc Kỳ trấn an vùng Đông Bắc lập nên. Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Phong Dụ”, thì đình Đông Đình gồm 3 gian, 4 mái, 8 cột, 3 cửa. Gian thờ có ô riêng dành cho các thầy mo ngồi theo thứ tự, gian hậu cung thờ thần. Từ những năm 30 của thế kỷ trước ở Phong Dụ đã thường xuyên diễn ra lễ hội đình Đông Đình, nhưng do chiến tranh lễ hội bị gián đoạn. Đến năm 2015, lễ hội đình Đông Đình mới được khôi phục lại và từ đó đến nay càng được phát triển, tạo không khí tâm linh trong người dân xã Phong Dụ.
Ngày nay đình Đông Đình chỉ còn là phế tích với các bức tường rêu phong. Trong hội Lồng Tồng hằng năm, thầy cúng là người được tôn vinh nhất và được coi là sứ giả tiếp nối giữa thần linh và cõi nhân gian. Thầy cúng làm lễ xin Thần hoàng làng mở hội tạ Thiên địa, Thần Nông, Thần Núi, Thần Suối ban cho mưa thuận gió hòa mùa vàng tốt tươi, cuộc sống người dân trong năm ấm no hạnh phúc. Xong lễ cầu thần, thầy cúng đánh trống khai hội, đồng thời thầy cúng là người là người cày những đường cày đầu tiên mở đầu cho mùa trồng cấy trong năm với mong muốn mùa màng bội thu và cũng lại là người cuốc đất tra hạt đầu xuân.
Năm nay, ông Hoàng Văn Đông, thầy cúng ở Phong Dụ là người được cả xã chọn làm người đưa đường cày đầu tiên. Ông Đông bảo: “Công việc tôi phải chuẩn bị từ những ngày đầu ngay sau khi xong hội Lồng Tồng năm trước. Trâu chọn trong lễ Lồng Tồng phải là trâu đực, tôi phải thuần hóa con trâu để nó hoàn toàn theo sự điều khiển của mình. Vì trong các lễ Lồng Tồng, thường có rất đông người đứng trên bờ, thậm chí còn hò reo khua trống. Nếu là con trâu nhút nhát hoặc người điều khiển trâu không khéo trâu sợ bỏ chạy sẽ hỏng việc. Tuy cũng chỉ là việc cày ruộng đơn thuần, thế nhưng với người cày trong lễ Lồng Tồng trách nhiệm cũng khá nặng nề”.
Phần hội diễn ra trong lễ hội Đông Đình còn có các môn đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… rất sôi động, thế nhưng một môn chơi truyền thống rất có ý nghĩa trong lễ hội là môn tung còn. Khu vực chơi được chọn là đám ruộng phẳng và rộng, ở giữa trồng cây cột cao 20 – 30m, bên trên có vòng tròn đường kính khoảng 60cm. Người chơi được chia ra làm 2 bên nam, nữ. Người ném còn qua vòng tròn được chúc tụng may mắn đầu năm. Mọi người đến dự hội khi trở về đều mang theo niềm vui, tin tưởng vào một năm mới nhiều may mắn./.