Non nước Việt Nam

Lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia quần thể di tích đền Cao, Hải Dương

Cập nhật: 12/03/2018 10:47:37
Số lần đọc: 719
Ngày 10/3, Ban Tổ chức lễ hội đền Cao thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) tổ chức lễ đón bằng di tích lịch sử cấp quốc gia quần thể di tích đền Cao và khai hội truyền thống năm 2018.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hóa, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết: Quần thể di tích đền Cao là di tích lịch sử, gắn liền với với chiến công oai hùng của 5 vị tướng họ Vương, có công phù giúp vua Lê Đại Hành chiến thắng giặc Tống xâm lược vào thế kỷ thứ X. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các ngôi đền thờ phụng 5 đức Thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc, trường tồn giữa vùng không gian văn hóa tâm linh đặc biệt. Hiện nay, khu di tích vẫn lưu giữ 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp oai hùng, hiển hách của 5 đức thánh họ Vương.

Quần thể khu di tích đền Cao được xây dựng trên nhiều vị trí khác nhau trong không gian rộng gần 1 km. Qua nhiều lần trùng tu vào thời hậu Lê, thời Nguyễn và những năm gần đây nhưng các di tích đều tuân thủ theo kiến trúc truyền thống, tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Căn cứ vào Luật Di sản Văn hóa, căn cứ vào giá trị quần thể khu di tích, lịch sử các nhân vật được thờ, sinh hoạt lễ hội truyền thống, hệ thống cổ vật, di vật, ngày 2/3/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với quần thể di tích đền Cao (gồm 4 di tích: Đền Cao, đền Cả, đền Bến Tràng, đền Bến Cả) .

Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng xếp hạng di tích quốc gia cho quần thể di tích đền Cao, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và xã An Lạc cần có kế hoạch quy hoạch bảo tồn quần thể di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hàng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức phù hợp, nhằm bảo đảm đúng với nội dung, tín ngưỡng của di tích.

Trong quá trình tổ chức lễ hội cần duy trì nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan các di tích để bảo đảm không gian linh thiêng, thoáng đãng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín di đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

Lễ hội truyền thống đền Cao năm 2018 kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 9 - 11/3 (tức từ ngày 22 - 24 tháng Giêng) với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Lễ mộc dục, tế khai xuân, hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, tế hội đồng, lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế nghinh, lễ rước bộ, tế yên vị giao lưu các CLB hát chèo thị xã Chí Linh, tổ chức giải thể thao và trò chơi dân gian, giải vật truyền thống, lễ đập đất, vật đập đất và các hoạt động văn hóa múa rối nước, biểu diễn nghệ thuật mừng lễ hội.../.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT