Rộn ràng tháng Ba Tây Nguyên
Mùa này, Tây Nguyên không còn những cơn mưa dầm dề, cũng không còn những cái lạnh rét mướt. Trời hanh khô nhưng mỗi sớm, mỗi chiều vẫn lãng đãng sương mù và không khí lành lạnh vô cùng dễ chịu. Đồng bào Ba Na, Ê Đê, Jrai… bản địa đã thu hoạch xong mùa màng. Lúa, bắp đã về kho. Tạm gác lại những vất vả trên rẫy, trên rừng, người ta vây quanh ché rượu cần, làm con gà, con heo chia nhau cả buôn cùng ăn, cùng hát mừng nhau…
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như những con ong cần mẫn để tồn tại trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của họ vô cùng phong phú. Người ta có cảm giác, người Tây Nguyên không lo lắng, không muộn phiền. Làm nương, làm rẫy, trồng cây, nuôi con gà, con trâu… là có thể đủ nuôi sống cho cả gia đình. Con cái lớn lên dựng vợ, lấy chồng thì kéo dài căn nhà sàn thêm một ngăn nữa. Cứ thế, mùa vụ xong thì hội hè, trước là cúng dâng thần linh, tổ tiên và sau là chung vui cùng buôn làng. Bởi thế, mùa này du lịch đến Tây Nguyên, du khách dễ bắt gặp những lễ cúng thần linh ở rừng, ở suối… để cảm ơn Mẹ thiên nhiên cho dân làng một năm no ấm, lễ kết nghĩa anh em từ tình bằng hữu sang tình huynh đệ hay lễ bỏ mả để đoạn tuyệt với người thân đã khuất… Bất cứ lễ nào dân làng cũng chung vui. Ai có gì góp nấy để tạo nên một bữa ăn thịnh soạn cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Có khi, việc của gia đình này nhưng cả làng xem như việc chung, cùng chung tay đóng góp, ăn mừng. Sau những lễ nghi, mọi người quây quần cùng nhau ăn uống. Tất nhiên, không thể thiếu tiếng cồng chiêng, điệu xoana Tây Nguyên và những ché rượu cần được chuẩn bị từ rất lâu. Người Tây Nguyên rất hiếu khách. Bất chợt ngang qua, du khách cũng có thể trở thành khách quý, được mời ngồi vào mâm, mời hơi rượu cần và trò chuyện. Người Tây Nguyên vốn dĩ là thế. Nói sao làm vậy!
Tây Nguyên mùa này đẹp ngỡ ngàng những đồi cà phê nở hoa trắng muốt như tuyết, tỏa hương ngào ngạt. Hoa cà phê khoe sắc nhiều mùa trong năm. Nhưng phải tháng Ba, hoa mới hương sắc hơn. Từng đàn bướm hàng trăm con đủ sắc màu bay lượn và những con ong cần mẫn hút mật hoa. Tháng Ba về, hoa Pơ lăng nhuộm thắm núi rừng. Đây là loài hoa gắn bó với người Ba Na, Ê Đê ở Tây Nguyên như con cá với con sông. Người ta bảo rằng, muốn biết làng sung túc thế nào, cứ đếm cây Pơ lăng được trồng trước nhà rông. Bởi sắc hoa rực rỡ mà gần gũi nên Pơ lăng được ví như người con gái Tây Nguyên đầy sức sống. Gỗ cây này còn được dùng làm nhà, trang trí cây nêu và dùng làm tượng nhà mồ. Bởi sự gắn bó đó mà cây Pơ lăng lại mang trên mình một câu chuyện đậm chất sử thi Tây Nguyên được người đời truyền tụng.
Đến Tây Nguyên vào tháng Ba, du khách nên tìm hiểu kỹ thông tin làng nào có lễ hội gì, vào thời gian nào. Bởi các lễ thường không diễn ra vào thời gian nhất định. Chủ yếu là do gia chủ, dân làng làm ăn khấm khá thì mới tổ chức lễ. Có khi, lễ kéo dài và nối tiếp từ làng này sang làng kia. Nhưng dù ít hay nhiều thì người dân bản địa vẫn mừng lễ vào mỗi độ tháng Ba. Nếu đi vào năm chẵn, Festival Cà phê Tây Nguyên là dịp để du khách tìm hiểu khá đầy đủ về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, từ cồng chiêng, đua voi, đua thuyền độc mộc và tái hiện, thực hiện các lễ cưới, lễ cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em… Nếu có nhiều thời gian, du khách nên tìm đến những buôn làng và ở lại cùng bà con để nghe những câu chuyện, tìm hiểu và trải nghiệm đời sống văn hóa của người dân bản địa. Nhiều buôn ở Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã tổ chức được làng du lịch cộng đồng, nhà dân mở cửa đón khách đến ở và cùng trải nghiệm. Nếu có ít thời gian, 2-3 ngày cuối tuần, du khách có thể mua tour khám phá từ các công ty du lịch địa phương hoặc các doanh nghiệp lữ hành có uy tín. Cần chú ý đến lịch trình khám phá nét văn hóa Tây Nguyên hơn là chỉ đi những điểm truyền thống. Bởi nhiều doanh nghiệp lữ hành thường mở tour du lịch chuyên đề theo từng thời điểm trong năm để du khách có cảm giác mới mẻ và hào hứng tại cùng một điểm đến./.