Thừa Thiên – Huế tái hiện Lễ tế Xã Tắc năm 2018
Lễ tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ cung đình quan trọng được xếp vào hàng Đại tự (chỉ đứng sau Lễ tế Nam Giao). Các triều đại ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa Xuân hàng năm nhằm tế thần Đất và thần Lúa, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trải qua thời gian cùng nhiều biến cố lịch sử, năm 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khôi phục đàn Xã Tắc cũng như nghiên cứu phục dựng lễ tế tại đàn nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đồng thời giúp các thế hệ đương đại có thể hiểu được một trong những cách thức cha ông thể hiện khát vọng hòa bình, chung sống với thiên nhiên. Việc tiến hành Lễ tế Xã Tắc còn có ý nghĩa tôn vinh nền văn minh lúa nước, sự bền vững, trường tồn của đất nước và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Lễ tế Xã Tắc bao gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy (Lễ rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (Lễ dâng hương), Lễ Nghinh thần (Lễ rước thần đến tham dự), Lễ Điện ngọc bạch (Lễ dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (Lễ đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (Lễ dâng rượu), Lễ Tứ phúc tộ (Lễ hưởng lộc), triệt soạn (Lễ hạ cỗ), tống thần (Lễ đưa tiễn thần), tư chúc bạch soạn (Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị). Sau lễ tế, nhiều người dân địa phương đã dâng hương lên hương án đặt giữa đàn nhằm cầu may mắn, an lành.
Đàn Xã Tắc là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế, tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Đàn được xây dựng từ cuối mùa Xuân năm 1806, sau khi Vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc "tả Tổ, hữu Xã" (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.
Hiện nay, đàn Xã Tắc được đắp dựng với qui mô tương đối lớn, gồm hai tầng: tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m; tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều hình vuông, xây lan can gạch, cao hơn 90cm. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh, phía trước có đào hồ vuông làm minh đường.
Lam Phương