Trang nghiêm lễ tế Xã Tắc tại cố đô Huế
Lễ tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ Cung đình tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 và tháng 8 Âm lịch), nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong “quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Sau một giờ đồng hồ diễn ra trang trọng, thành kính với các lễ: lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), lễ Thượng hương (dâng hương), lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), lễ Điện Ngọc bạch (dâng ngọc trắng), lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), lễ Hiến tước (dâng rượu), lễ Phú tộ (hưởng lộc), lễ Triệt soạn (hạ cỗ), lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị) đã thành công tốt đẹp. Sau lễ tế, nhân dân và du khách tiến lên đàn thắp hương cầu nguyện.
Việc tái hiện lễ tế Xã Tắc, ngoài việc bảo tồn một nghi lễ tâm linh truyền thống, một ý nghĩa sâu sắc hơn đó là sự tôn vinh nền văn minh lúa nước cũng như nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam./.