Hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch; đại diện Hội Di sản văn hóa Việt Nam; đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, Trung tâm Xúc tiến du lịch một số tỉnh, thành phố; các nhà nghiên cứu về ẩm thực và di sản; các nghệ nhân tiêu biểu về ẩm thực cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh Việt Nam là đất nước có nền ẩm thực phong phú, đa đạng với nhiều nét độc đáo, khác biệt, đã được định hình và đánh giá cao trên thế giới. Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem... đã được thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Hình ảnh các vị nguyên thủ nhiều quốc gia đến Việt Nam thưởng thức ẩm thực đã thực sự góp phần làm ẩm thực nước ta ngày càng nổi tiếng và có vị trí nhất định trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trong lĩnh vực ẩm thực, lực lượng đầu bếp có vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng chủ đạo trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống. Nhằm hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đầu bếp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam. Hàng năm, Hội đã tổ chức các sự kiện ẩm thực nhằm khôi phục và bảo tồn, phổ biến các món ăn truyền thống Việt, tôn vinh các món ăn tiêu biểu và các đầu bếp xuất sắc, góp phần nâng cao vai trò của nghề đầu bếp trong xã hội.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, người Việt Nam ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đầu tư để bảo tồn, phát triển ẩm thực truyền thống là nhu cầu quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế xã hội đất nước. Chính vì thế, Hiệp hội Du lịch đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Việt Nam, nơi nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các món ăn Việt, đào tạo đội ngũ đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang dự kiến triển khai dự án “Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam” nhằm nâng cao hình ảnh của ẩm thực Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Tham gia thảo luận tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ẩm thực và di sản đều khẳng định, ẩm thực đang nổi lên là một thế mạnh của du lịch Việt Nam và cần sớm đưa ẩm thực thành một loại hình du lịch hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng cần có các hoạt động nhằm tôn vinh ông Tổ của nghề Đầu bếp Việt Nam, đó là Hoàng tử Lang Liêu (con trai của Hùng Vương thứ 6) – người sáng tạo ra hai món ăn đặc biệt của Việt Nam là bánh chưng và bánh dày, trở thành quốc túy của dân tộc.
Còn theo ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, để bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam, cần đưa ẩm thực trở thành một loại hình du lịch độc lập ở nước ta. Ngoài ba trung tâm ẩm thực lớn là Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, cần chú trọng tới giá trị của ẩm thực vùng kết hợp với ẩm thực tộc người và tôn giáo để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực cho thích hợp. Để khai thác và phát triển du lịch ẩm thực, không chỉ bó hẹp trong vấn đề món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ mà cần lưu ý cả nguồn gốc và việc sản xuất ẩm thực; các khía cạnh về lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan đến ẩm thực. Cần tập trung nâng cao thương hiệu ẩm thực Việt Nam qua việc xác định, đầu tư cho những món ăn, đồ uống nổi tiếng, có giá trị. Cần thiết nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông. Cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện-trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững như: cần thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; vinh danh danh hiệu nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân dân gian cho các đầu bếp; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ du lịch; xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực, điểm đến du lịch; phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các thành phần liên quan.
Theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.
Tin, ảnh: Lam Phương