Khám phá những điểm mới ở Bạc Liêu
Hệ thống điện gió độc đáo ở Bạc Liêu là điểm check in mỏi tay của giới trẻ.
Không chỉ nổi bật với du lịch hành hương, vùng đất Bạc Liêu còn nổi tiếng trong giới trẻ, nhất là từ khi hệ thống điện gió trên biển vận hành kết hợp khai thác du lịch, du khách đổ xô đến “check in” điểm có trên 60 tua-bin quạt như những cái chong chóng khổng lồ xoay tít trong gió. Từ một dự án năng lượng sạch, tận dụng sức gió, công trình này trở thành điểm đến du lịch độc đáo ở miền Tây. Trước đó, điện gió xuất hiện ở Bình Thuận và Ninh Thuận nhưng không được du khách chú ý. Khi điện gió Bạc Liêu vận hành đã trở thành “cơn sốt”. Đến Bạc Liêu là phải “check in” cánh đồng điện gió trên biển như trước đây tới xứ này là phải ghé thăm nhà công tử Bạc Liêu vậy! Điện gió thường nằm trên những ngọn đồi hoặc sa mạc, còn ở Bạc Liêu, những cánh quạt rộng hàng chục mét xoay tít trên nền biển phù sa, dưới bầu trời xanh. Điện gió Bạc Liêu đẹp nhất vẫn là lúc bình minh, hoàng hôn hoặc lúc ánh sáng dịu nhẹ của sáng hoặc chiều.
Một điểm khác là quảng trường ở trung tâm thành phố Bạc Liêu, cách hệ thống điện gió trong khoảng 10 cây số. Đó là khuôn viên rộng lớn với tượng cây đàn kìm lớn nhất Việt Nam cùng hệ thống nhạc nước. Đây là công trình phục vụ Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 tại Bạc Liêu. Cùng với nhà hát “ba nón lá”, tượng đài cây đàn kìm trở thành điểm “check in” độc và lạ cho giới trẻ cũng như là điểm nhấn cho chuyến du lịch Bạc Liêu của du khách. Ban đêm, đàn kìm được chiếu đèn nghệ thuật hòa cùng nhạc điệu của nước, là điểm dừng chân hóng gió lý tưởng trong những ngày nóng bức. Cùng với khu quảng trường này, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – tác giả bản “Dạ cổ hoài lang”, nằm ngay trung tâm thành phố. Đây là nơi vinh danh vọng cổ và cải lương, loại hình nghệ thuật đặc trưng Nam bộ và công ơn của người khởi xướng. Tượng cụ Cao Văn Lầu, tượng đài cách điệu cây đàn kìm, khu tái hiện sân chơi tài tử Nam bộ, bảo tàng… giúp du khách phần nào hiểu được cội nguồn của cải lương vốn được lưu truyền và gìn giữ trong mỗi người con miền Tây.
Du lịch tâm linh vẫn là loại hình du lịch nổi bật, thu hút một lượng lớn du khách đến Bạc Liêu. Khu tâm linh Mẹ Nam Hải đang được xây dựng hoành tráng phục vụ tín ngưỡng của người dân cả nước. Cứ mỗi cuối tuần, dòng xe nườm nượp từ khắp nơi đổ về đây. Kế đó là Nhà thờ Tắc Sậy, điểm tâm linh thu hút cả tín đồ trong và ngoài đạo Công giáo. Tháp cổ Vĩnh Hưng- được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992- cũng nằm trong số đó. Đặc biệt, các ngôi chùa Nam Tông ở Bạc Liêu phần lớn được xây dựng mới với kiến trúc đặc sắc, đậm chất Phật giáo tiểu thừa vùng Đông Nam Á. Trong chuyến hành hương về vùng đất Bạc Liêu, luôn có một vài ngôi chùa Khmer trong lộ trình của du khách. Sau tín ngưỡng là để chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật tôn giáo đặc sắc xứ này. Ngoài ra, Bạc Liêu còn một điểm đáng để dừng chân là nhà của Hội đồng Trạch thời Pháp thuộc, nổi danh với những câu chuyện về con trai thứ của ông – tức Trần Trinh Huy với biệt danh Hắc công tử nổi tiếng thời bấy giờ về sự chơi ngông. Dinh thự này được khai thác du lịch. Ở đó, vẫn còn những thứ xa hoa, đắt đỏ mà người xưa có mơ cũng không với tới được.
Từ Cần Thơ, nếu thiết kế một chuyến đi cuối tuần cùng bạn bè, người thân, nên kết hợp ghé thăm Sóc Trăng để tạo sự phong phú về điểm đến, ẩm thực và văn hóa, tận hưởng những món ngon, cảnh đẹp của hai vùng đất này./.