Non nước Việt Nam

Thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bắc Ninh

Cập nhật: 18/04/2018 14:59:52
Số lần đọc: 1292
Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ ngọt ngào mà còn níu chân du khách bởi những đặc sản ngon nức tiếng.

Bánh phu thê Đình Bảng

Đây là thứ quà quý mà bất kỳ lễ cưới hỏi nào cũng bắt buộc phải có. Bánh được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê khi ăn ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường,... tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh.

Bánh tẻ làng Chờ

Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như bánh giò mà bạn thường thấy. Bánh vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.

Bánh khúc làng Diềm

Cái hay của bánh khúc làng này là người dân thường hái rau khúc mọc ven bụi, mà phải là dùng lá tươi chứ không dùng bột có sẵn. Khi nấu chín, lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, có vị bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt. Với bánh khúc làng Diềm, phải ăn 3 - 4 cái liên tục thì mới “đã” cái bụng được.

Nem làng Bùi

Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề làm nem ở đây đã có hàng trăm năm, đời này kế tiếp đời kia phát triển và gìn giữ nghề cha ông để lại.Trải qua bao thăng trầm, vài năm trở lại đây nem Bùi dần có mặt trên thị trường và trở thành món ẩm thực ngon, rẻ, đồng thời là món quà trao tay ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh.

Nguyên liệu làm món nem Bùi phải là giống lợn ỉ đen, lưng gẫy hình yên ngựa, mõm ngắn nuôi bằng cám gạo và bèo cái, hoặc rau chuối. Cả con lợn thịt ra cũng chỉ lấy được hai cái thăn và phần mỡ gáy để làm nem. Công đoạn làm rất công phu và cẩn thận để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm

Lấy một nhúm nem quấn với lá sung cắn một miếng ngon tuyệt. Nem Bùi không cần chấm với nước chấm vì nem đã đầy đủ gia vị vừa ăn, nếu thích, thực khách có thể chấm thêm với chút tương ớt.

Tương Đình Tố

 Tương Đình Tố được làm từ ngô, ngoài ra còn có thêm đỗ tương và gạo nếp cái hoa vàng, tất cả được ủ và lên men tự nhiên chứ không dùng bất kỳ một loại hoá chất hay men phụ trợ nào. Tương ngon sẽ có màu đỏ nâu, đặc sánh, có mùi thơm vị ngọt bùi, ngậy béo đặc trưng của gạo nếp, của ngô, thường được dùng chấm rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc, dùng kho cá, kho thịt…

Cháo Thái Đình Tổ 

Cháo thái Đình Tổ được chế biến không quá cầu kỳ, gạo được xay nhuyễn, được nhào thành cục to. Nước nấu cháo được hầm từ xương, thịt gà, thịt lợn. Khi nước dùng sôi, người ta dùng dao mỏng thái từng miếng bột cho vào nồi cháo. Cháo chín cho thêm hành hoa, tiêu xay, nêm nếm gia vị vừa ăn bắc xuống là dùng được.


Gà Hồ hấp lá chanh

Từ xưa tới nay người dân làng Lạc Thổ (Thuận Thành) coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10-2 (âm lịch) hàng năm. Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con. Khi con gà trống Hồ trưởng thành có cái đầu rất to, vẫn là mình cốc cánh trai, thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh.

 


Cỗ chay Đào Xá

Không những được biết đến là một làng quan họ gốc, một trong những tài của người Đào Xá xưa kia là làm cỗ chay đãi khách vừa ngon vừa khéo.

Hàng năm, cứ vào ngày hội chùa (mồng 7 tháng Giêng) dân làng Đào Xá lại làm cỗ chay đãi khách. Cỗ chay Đào Xá gồm bánh chưng, bánh rợm, bánh rán, bánh cắp, một đĩa giò, 4 bát nấu, 5 bát cháo cái... Trong những món ăn chay nói trên, bánh cắp và cháo cái là hai món đặc trưng, không thể thiếu trên mâm cỗ mời khách của làng Đào Xá./.

Nguồn: dulichbacninh.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT